Xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón Diamoni Phosphat (DAP)
Cập nhật vào: Thứ sáu - 13/03/2020 04:55 Cỡ chữ
Phân bón là một trong những yếu tố then chốt giúp đảm bảo năng suất thu hoạch trong nông nghiệp, góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó, phân bón vô cơ chiếm khoảng 90% nhu cầu, phân hữu cơ và phân bón khác chiếm phần còn lại. Năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất trong nước đáp ứng được gần 80% tổng nhu cầu; phân đạm urea cung vượt cầu khoảng 400.000 tấn, phân lân, phân hỗn hợp NPK cơ bản đáp ứng, DAP đáp ứng 65% nhu cầu. Phân kali và SA hiện nay chưa sản xuất được do không có lợi thế về nguyên liệu, phải nhập khẩu hoàn toàn. Tuy nhiên, thị trường phân bón còn phức tạp, phân bón giả, kém chất lượng, bao bì nhãn mác mập mờ đang làm méo mó thị trường phân bón. Một số tổ chức, cá nhân không giấy phép phép vẫn lén lút sản xuất phân bón, một số đại lý phân phối gây sức ép về giá thành đối với người sản xuất buộc phải giảm chất lượng đầu vào. Năm 2014, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC134 Phân bón đã biên soạn TCVN 2619:2014 phân DAP-yêu cầu kỹ thuật thay thế TCVN 2619:1994 và TCVN 2620:2014 phân DAP-phương pháp thử thay thế cho TCVN 2620:1994. Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón, phân bón thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, được quản lý chất lượng theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do cơ quan có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng. Nhưng đến nay, chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón nói chung hay phân DAP nói riêng được ban hành. Quy định chỉ tiêu chất lượng đối với phân DAP và các loại phân bón vô cơ khác tạm thời được thực hiện theo quy định tại Phụ lục 13 của Thông tư số 29/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân bón vô cơ.
Vì vậy, nhằm xây dựng và ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón vô cơ nói chung và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân DAP để đảm bảo khắc phục những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý chất lượng phân bón vô cơ, tăng cường hơn nữa hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phân bón, nhóm nghiên cứu do ThS. Văn Huy Vương, Cục Hóa chất, Bộ Công thương làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài: “Xây dựng QCVN về phân bón DAP”.
Sau hai năm thực hiện (2015-2017), nhóm nghiên cứu đạt được các kết quả như sau:
- Đã rà soát, tổng hợp thành hệ thống các tài liệu và kinh nghiệm của một số nước trên thế giới để xây dựng tổng quan hoạt động quản lý nhà nước đối với chất lượng phân bón nói chung và quản lý chất lượng đối với phân phân DAP nói riêng;
- Đã đánh giá thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng, công tác quản lý chất lượng đối với chất lượng phân bón nói chung và quản lý chất lượng đối với phân phân DAP nói riêng ở Việt Nam;
- Đề xuất các giải pháp quản lý chất lượng đối với phân DAP;
- Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân DAP.
Từ những kết quả này, nhóm đề tài có một số kiến nghị bao gồm: Cần luật hóa quy định về quản lý phân bón phù hợp với tình hình thực tế, thống nhất công tác quản lý hoạt động tiền chất trong cả nước. Thống nhất thủ tục giữa các Bộ, Ngành quản lý nhằm giảm sự chồng chéo, bất cập giữa những cơ quan quan gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động phân bón, do đó cần có quy định cụ thể chức năng của từng cơ quan chức năng trong hoạt động quản lý. Cần phân cấp quản lý tới các Sở, ngành quản lý chuyên ngành trên địa bàn quản lý của các địa phương hướng tới kiểm soát đến khâu sử dụng cuối cùng vừa tăng cường công tác phối hợp giữa Trung ương với địa phương vừa có thể tận dụng được nguồn nhân lực có chuyên môn, bám sát địa bàn quản lý sẽ tăng cường mạng lưới theo dõi, giám sát trong hoạt động quản lý phân bón, đặc biệt là vấn đề về chất lượng phân bón và tình trạng phân bón giả, kém chất lượng.Thường xuyên tổ chức các hội thảo nhằm phổ biến,cập nhật kịp thời cho các tổ chức, cá nhân liên quan các quy định mới về họat động quản lý chất lượng phân bón để biết và tuân thủ thực hiện. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu để cung cấp thông tin cụ thể hơn, giúp các nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn với hoạt động quản lý phân bón liên quan, từ đó nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm cũng như đưa ra những chỉ dẫn cần thiết nhằm giảm rủi ro trong hoạt động phân bón, đặc biệt là tác hại của phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14811/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)