Xây dựng mô hình sản xuất lúa-thủy sản chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm cho vùng chiêm trũng Đồng bằng sông Hồng
Cập nhật vào: Thứ ba - 07/05/2019 10:27 Cỡ chữ
Trong những năm gần đây, mô hình lúa - thủy sản tại một số địa phương trên cả nước đã tỏ rõ sự hiệu quả về nhiều mặt: kinh tế, chính trị xã hội và môi trường sinh thái. Kết quả của các mô hình trên đã góp phần đắc lực vào công cuộc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp và công cuộc xây dựng nông thôn mới mà chính phủ đã đề ra.Vùng đồng bằng sông Hồng là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, toàn vùng có 207.858 ha diện tích ruộng ngập úng và 44.499 ha đất ruộng trũng mất trắng (Viện Thiết kế quy hoạc Nông nghiệp, 2006) nên tiềm năng xây dựng mô hình lúa-thủy sản là rất lớn. Tuy nhiên hiện nay hiệu quả sử dụng đất ruộng ngập úng tại các địa phương là chưa cao. Phần lớn người nông dân vẫn chỉ tập trung trồng lúa đơn thuần với rủi ro lớn, hiệu quả thấp. Phần diện tích nhỏ còn lại đã chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên hình thức này phần nhiều do sự tự phát của người dân mà ít được chuyển giao công nghệ của các cơ quan nghiên cứu khoa học. Một thực trạng khác cần quan tâm là vấn đề liên kết người dân và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm tránh những thất thoát trong sản xuất ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Các gia đình vẫn chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo lối truyền thống, hình thức nuôi nhỏ lẻ, với quy mô hộ gia đình và mang nặng tính chất tự cung tự cấp, đối tượng nuôi chủ yếu là các giống cá truyền thống năng suất, chất lượng thấp. Xuất phát từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu do TS. Phạm Văn Dân, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và KN đứng đầu đã đề xuất dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất lúa-thủy sản chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm cho vùng chiêm trũng Đồng bằng sông Hồng nhằm góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân”.
Qua 16 tháng triển khai, dự án đã tiến hành đầy đủ các nội dung công việc và hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra. Kết quả của dự án được thể hiện ở những nội dung sau:
- Dự án đã tiến hành khảo sát, điều tra bổ sung, đánh giá thực trạng sản xuất lúa cá tại các vùng chiêm trũng đồng bằng sông Hồng; nêu được những thuận lợi và khó khăn trong mô hình canh tác lúa-thủy sản tại các địa phương để từ đó đề xuất những giải pháp triển khai hiệu quả.
- Dự án đã chuyển giao thành công quy trình sản xuất lúa - thủy sản đến với người nông dân thông qua việc xây dựng thành công hai mô hình canh tác 1 vụ lúa-1 vụ cá và một mô hình 2 vụ lúa-1 vụ cá trên quy mô 60ha tại các địa bàn triển khai. Tổng thu nhập từ các mô hình đạt từ 192,405 - 225,390 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được từ 59,197 - 71,344 triệu đồng/ha, gấp 2,4 – 3,3 lần so với mô hình trồng 2 vụ lúa đơn canh và gấp 1,2- 1,4 lần so với mô hình canh tác lúa – cá ngoài sản xuất.
- Dự án đã xây dựng 03 mô hình tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm giữa 4 nhà, góp phần ổn định sản xuất và tăng thu nhập cho người nông dân tại các vùng triển khai.
- Dự án đã xây dựng được 01 bộ sổ tay hướng dẫn Quy trình sản xuất lúa - thủy sản kết hợp cho cán bộ và người nông dân tại các vùng triển khai.
- Dự án đã tổ chức đào tạo, tập huấncho 312 lượt người dân nắm vững kỹ thuật canh tác lúa-thủy sản. Kết quả của dự án đã có những tác động to lớn về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường trong sản xuất nông nghiệp tại vùng chiêm trũng đồng bằng sông Hồng, góp phần đắc lực trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới tại các địa phương.
Từ kế quả thu được, những hiệu quả kinh tế nổi bật của dự án là tại các khu vực có diện tích ruộng trũng vốn không thể cấy trồng vào mùa ngập úng, không thể trồng được cây vụ đông và không khai thác hết tiềm năng của đất, mặt nước, thì việc nuôi luân canh lúa - cá đã góp phần tăng vụ sản xuất trên cùng một diện tích, từ đó tăng thu nhập cho nông dân, giảm được công làm đất, thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất lúa là điều rất quan trọng hiện nay. Mô hình canh tác 1 vụ lúa - 1 vụ cá cho thu nhập từ 192,405 - 202,440 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được từ 59,197 - 68,632 triệu đồng/ha, cao hơn mô hình trồng 2 vụ lúa đơn canh lúa của người dân từ 41,387 - 45,332 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế gấp 3,0 - 3,3 lần. So với mô hình canh tác lúa - cá ngoài sản xuất, mô hình trong dự án cho lợi nhuận cao hơn từ 13,587 - 19,607 triệu đồng/ha, tương ứng 29,2 - 40,0%. Mô hình canh tác 2 vụ lúa - 1 vụ cá cho thu nhập 225,390 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu được từ 71,344 triệu đồng/ha, cao hơn mô hình trồng 2 vụ lúa đơn canh lúa của người dân 41,444 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế gấp 2,4 lần. So với mô hình canh tác 2 lúa lúa - 1 vụ cá ngoài sản xuất, mô hình trong dự án cho lợi nhuận cao hơn từ 20,014 triệu đồng/ha, tương ứng 41,8%. * Hiệu quả lâu dài: Dự án triển khai sẽ làm tiền đề mở rộng trên 200 nghìn ha diện tích đất chiêm trũng vùng đồng bằng sông Hồng trong những năm tiếp theo. Đồng thời sẽ tận dụng tài nguyên đất, nước và nguồn lao động dư giả để biến vùng đất kém hiệu quả này dần dần hình thành vùng sản xuất nông nghiệp đặc thù của vùng với các sản phẩm an toàn cung cấp cho xã hội như các loại lúa gạo chất lượng, các chủng loại thủy sản khác nhau đa dạng và phong phú về sản phẩm.
Dự án đã cung cấp cho thị trường sản phẩm cá chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho hộ tham gia mô hình, thúc đẩy phong trào nuôi cá tại địa phương. Thông qua dự án người dân nâng cao được cả năng suất cá và lúa, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái tốt hơn. Nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm về chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra giám sát và đánh giá trong triển khai mô hình cho cán bộ kỹ thuật các địa phương và chủ nhiệm dự án. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, môi sinh do hạn chế được thuốc bảo vệ thực vật; giảm phân hóa học..., bảo vệ sức khỏe cho người lao động do việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất sản phẩm đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành. Hệ thống canh tác lúa - thủy sản được xem như một dạng IPM, chính hình thức này sẽ giúp cho môi trường canh tác được cải thiện tốt hơn, thông qua việc giảm thiểu sử dụng các chất hóa học và thuốc trừ sâu. Đồng thời chất lượng nước, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp cũng được cải thiện.
Như vậy, Dự án vừa có ý nghĩa khoa học, vừa mang tính kinh tế-xã hội, bảo đảm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, dự án còn tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần tạo ra bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14741/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)