Thái Nguyên xây dựng nông thôn mới gắn với nông nghiệp hữu cơ
Cập nhật vào: Thứ sáu - 13/09/2024 00:04 Cỡ chữ
Nhận thức tầm quan trọng về vai trò bảo vệ sức khỏe, môi trường, hiệu quả trồng trọt chăn nuôi theo phương thức hữu cơ, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã lồng ghép sản xuất hữu cơ trong chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp địa phương. Qua đó hiện thực hóa mục tiêu về đích nông thôn mới trong năm 2024, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch ban đầu.
Vùng nếp vải Ôn Lương tại huyện Phú Lương (Thái Nguyên)
Với tiềm năng và giá trị mà nông nghiệp hữu cơ mang lại, huyện Phú Lương đã quy hoạch các vùng sản xuất xanh, hữu cơ tập trung. Mỗi vùng sản xuất chuyên canh đều chọn ra cây trồng chủ lực để xây dựng các sản phẩm OCOP chất lượng.
Ông Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy huyện Phú Lương cho biết, đối với ngành nông nghiệp, huyện Phú Lương đặc biệt chú trọng phát triển cây trồng thế mạnh là chè theo hướng mở rộng diện tích, gia tăng giá trị bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với quảng bá, kết nối để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Lương lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định lấy nông nghiệp làm nền tảng cho phát triển kinh tế. Cụ thể hoá nội dung Nghị quyết, địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh của huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án, huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, tổng diện tích chè của Phú Lương đạt trên 4.000ha, sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 47.000 tấn, giá trị kinh tế đạt hơn 1.300 tỷ đồngnăm. Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn có 111 sản phẩm chè dán tem QR code để truy xuất nguồn gốc, vượt 101 sản phẩm so với kế hoạch đến năm 2025. Thực tế cho thấy, giá các sản phẩm hữu cơ trên thị trường thường cao hơn sản phẩm sản xuất theo phương thức thông thường. Thu nhập của người dân theo phương thức sản xuất này nhờ đó cũng tăng lên tương ứng. Nhờ vậy, đã giúp nâng cao thu nhập cho bà con, đáp ứng các tiêu chí về thu nhập của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, khi làm nông nghiệp hữu cơ, yếu tố môi trường cũng sẽ được bảo vệ. Bà con trong hợp tác xã cũng là thành viên của xóm, vừa bảo vệ môi trường canh tác, vừa bảo vệ môi trường sống của cộng đồng. Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ do đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Đơn cử như vùng nguyên liệu trồng cây dược liệu thìa canh tại huyện Phú Lương của Công ty Cổ phần Sản phẩm thiên nhiên DK hiện có diện tích 4ha, trong đó có 2,1ha đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ, diện tích còn lại đang thực hiện canh tác theo hướng hữu cơ. Sản lượng thìa canh khô xuất bán trên thị trường mỗi năm của Công ty đạt gần 4 tấn. Việc bán cao thìa canh đem về cho Công ty doanh thu khoảng 250 triệu đồng mỗi năm. Cùng với đó, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Hiện nay, Công ty có 5 sản phẩm dược liệu khô đóng gói. Trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao OCOP là trà dây thìa canh và trà nén dây thìa canh.
Đến nay, huyện Phú Lương đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong xây dựng nông thôn mới: 13/13 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 23,07%); 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm15,38%); 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Huyện đã đạt 5/6 điều kiện, 3/9 tiêu chí, 27/36 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí Quốc gia huyện nông thôn mới.
Thời gian tới, huyện Phú Lương sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm các giải pháp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ gồm cây chè, nếp vải, dây thìa canh lá to... Qua đó, hướng tới mục tiêu đưa ngành nông nghiệp của địa phương phát triển nhanh và bền vững, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại.
P.T.T (tổng hợp)