Phát triển sản phẩm chủ lực tại nông thôn miền núi: Mục tiêu mới trong ứng dụng công nghệ
Cập nhật vào: Thứ ba - 10/12/2024 12:03 Cỡ chữ
Sau 26 năm triển khai Chương trình nông thôn miền núi, "Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực khu vực nông thôn, miền núi" đang được Bộ KH&CN xây dựng nhằm thay đổi hướng ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ tại khu vực nông thôn, miền núi.
Vải Lục Ngạn là một trong những sản phẩm chủ lực của Bắc Giang, đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2008
Tiếp nối, thay thế cho chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số”, hay còn được biết đến với tên gọi Chương trình nông thôn miền núi, dự thảo “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực khu vực nông thôn, miền núi” mà Bộ KH&CN đang xây dựng mang tham vọng sẽ giúp các địa phương tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; cũng như đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên cả nước
Những mục tiêu mới
Cho đến nay, chương trình nông thôn miền núi đã triển khai được 26 năm và đạt được nhiều thành quả. Theo Vụ trưởng Vụ Ứng dụng công nghệ và Tiến bộ kỹ thuật Chu Thức Đạt, giai đoạn gần nhất (2016-2025), chương trình đã xây dựng được gần 1.700 mô hình ứng dụng công nghệ và chuyển giao 2.560 công nghệ, quy trình kỹ thuật mới cho các tỉnh, địa bàn trên cả nước, đạt khoảng 77-85% mục tiêu đề ra.
Khi chương trình cũ sẽ khép lại vào năm tới, chương trình mới với tên gọi “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực khu vực nông thôn, miền núi” sẽ ra đời và kế thừa các bài học của chương trình cũ và phát triển theo hướng tập trung hơn, tức nâng đỡ cho một vài sản phẩm chủ lực của địa phương. Mục tiêu của hướng đi này là nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm để gia tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm, cả trong nước và xuất khẩu. “Sẽ có khoảng 80 sản phẩm chủ lực của địa phương được chọn từ danh mục đề xuất của các tỉnh. Tôi nghĩ chúng sẽ rơi nhiều vào các sản phẩm OCOP nông nghiệp ba sao, bốn sao. Nhưng cũng có cơ hội là các tỉnh sẽ chọn những sản phẩm mới, gắn với định hướng công nghiệp hoặc dịch vụ của địa phương”, ông Chu Thức Đạt chia sẻ trong một sự kiện ngày 2/10.
Hiện nay sản phẩm chủ lực của nước ta vẫn phụ thuộc nhiều vào mùa vụ và chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Thực trạng trên đặt ra yêu cầu cần tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn để thúc đẩy ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN, phát triển các sản phẩm chủ lực một cách bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn và miền núi.
Tại hội thảo trao đổi về dự thảo chương trình do Bộ KH&CN mới tổ chức ngày 3/12, những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình mới đã được tiết lộ cụ thể hơn. Theo đó, trong giai đoạn 2025-2030, chương trình kỳ vọng chuyển giao được khoảng 200 công nghệ, tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương; xây dựng được khoảng 250 mô hình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, phát triển sản phẩm chủ lực hiệu quả... “Các sản phẩm chủ lực được hỗ trợ được nâng cao về năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh, mở rộng được thị trường tiêu thụ. Trong đó, mỗi địa phương có 1-2 sản phẩm chủ lực trở lên được xuất khẩu với số lượng lớn”, dự thảo đề ra mục tiêu.
Để đạt được những mục tiêu này, chương trình đưa ra năm nhiệm vụ chính, trải từ nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển nguyên liệu/vùng nguyên liệu cho sản phẩm chủ lực; sản xuất, phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ; cho đến hỗ trợ chuyển giao, mua công nghệ trong nước và từ nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm chủ lực của địa phương, cũng như một số nhiệm vụ khác để đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở dữ liệu.
Theo phác thảo của Chương trình sản phẩm chủ lực này, việc hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ sẽ được liên kết theo chuỗi giá trị. Ở đây, không chỉ đơn thuần là mang các nhà khoa học và công nghệ tới để giới thiệu cho các doanh nghiệp với kỳ vọng rằng họ sẽ áp dụng chúng trong một công đoạn sản xuất của mình, mà còn là một quá trình dài đồng hành cùng địa phương trong việc thiết lập các mô hình kinh doanh. Các công nghệ được áp dụng và chuyển giao sẽ là những công nghệ tiên tiến, gắn với định hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Hơn nữa, chương trình sẽ tìm cách triển khai một mô hình tài chính và quản lý mới, khiến cho việc hợp tác với doanh nghiệp trở nên nhanh gọn hơn.
Những hướng đi này được thiết kế dựa trên nhu cầu của các địa phương. Theo báo cáo tổng hợp ý kiến, các dự án hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi và dân tộc thiểu số hiện có đã phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hiện đại.
P.A.T (tổng hợp)