Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất chè vụ Đông - Xuân để nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm chè ở vùng miền núi phía Bắc
Cập nhật vào: Thứ năm - 21/11/2019 09:54 Cỡ chữ
Hiện nay, trên thế giới có hơn 60 quốc gia sản xuất chè, hơn 3 tỷ người sử dụng chè tại 160 nước trên thế giới. Chè là một trong năm loại đồ uống phổ biến nhất trên thế giới, ngoài giá trị giải khát, nước chè còn có giá trị dinh dưỡng và giá trị về dược liệu. Do vậy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm về chè có chất lượng cao trên thế giới ngày càng tăng.
Mối quan hệ giữa sản lượng với nhiệt độ và lượng mưa tại Thái Nguyên
Cây chè của Việt Nam đứng hàng thứ 5 về diện tích, sản lượng và về xuất khẩu trên thế giới. Ngành chè của nước ta đã thu hút được một lực lượng lao động lớn với hơn 6 triệu người thuộc 34 tỉnh tham gia đặc biệt là các tỉnh Vùng miền núi phía Bắc và Vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên giá chè xuất khẩu trung bình chỉ bằng 46,31% giá trung bình của thế giới với chỉ số cạnh tranh chỉ khoảng 0,65 - 0,70 so với thế giới.
Vùng Miền núi phía Bắc có diện tích chè chiếm 70% so với tổng diện tích chè của cả nước. Do đặc điểm về điều kiện khí hậu của Vùng miền núi phía Bắc nên chất lượng chè trái vụ (vụ đông - xuân) rất tốt, cao hơn hẳn so với vụ hè - thu. Mặt khác, nhu cầu sản phẩm chè trong vụ đông xuân, đặc biệt là thời điểm giáp Tết Nguyên Đán là rất lớn. Tuy nhiên, sản lượng chè vụ đông xuân còn thấp, chỉ chiếm từ 8 - 10% so với tổng sản lượng chè trong năm, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường do vậy giá chè thời điểm này thường cao gấp 1,5 đến 2 lần giá chè thời điểm chính vụ. Dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn của địa điểm nghiên cứu, nếu tác động các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất chè vụ Đông - Xuân thì có thể nâng sản lượng chè ở thời vụ này lên đến 25% so với tổng sản lượng chè trong năm, qua đó nâng cao giá trị của sản xuất chè lên khoảng 20% so với sản xuất truyền thống.
Kinh nghiệm của Nhật Bản, Đài Loan, Autralia trong sản xuất chè là tập trung đầu tư thâm canh nâng cao năng suất chè ở các thời vụ mà nguyên liệu có chất lượng tốt để chế biến ra sản phẩm chè có giá trị cao. Ở những thời vụ nguyên liệu có chất lượng thấp thì không thu hoạch để nuôi tán, làm vật liệu tủ gốc hoặc chế biến các sản phẩm khác ngoài chè có giá trị thấp hơn như: kem đánh răng, xà bông, mỹ phẩm, bánh kẹo,....
Mặt khác, tình trạng khủng hoảng lao động trong những tháng thu hoạch chè chính (vụ hè – thu) vẫn thường xảy ra ở các vùng chè lớn trên cả nước. Mặc dù việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu thu đã được áp dụng, nhưng tỷ lệ hộ áp dụng còn thấp. Nên việc rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch chè đông - xuân sẽ góp phần làm can bằng tình trạng trên.
Thời gian qua, việc sản xuất đông - xuân đã được thực hiện tại một số vùng chè trong nước với diện tích rất nhỏ. Tuy nhiên, sự sinh trưởng và phát triển của cây chè phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó thời tiết khí hậu, kỹ thuật đốn hái, giữ ẩm, bón phân là những yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất chè đông - xuân.
Xuất phát từ thực tế trên Cơ quan chủ trì Đề tài Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài PGS.TS Lê Tất Khương để thực hiện “Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất chè vụ Đông - Xuân để nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm chè ở vùng miền núi phía Bắc” với mục tiêu Phát triển sản xuất chè vụ đông - xuân phục vụ chế biến chè xanh nhằm rải vụ thu hoạch chè nâng cao sản lượng chè ở thời điểm trái vụ, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất chè ở vùng trung du và miền núi phía Bắc. Qua đó giảm sức ép về lao động ở thời điểm vụ hè – thu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng ngày càng cao của người tiêu dùng.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài thu được những kết quả như sau:
1) Trong điều kiện bình thường (không tưới nước) sản lượng chè có tương quan thuận với nhiệt độ và lượng mưa ở cả 3 địa điểm nghiên cứu. Sản lượng chè của các tháng có lượng mưa trung bình trên 100mm tại Thái Nguyên, Hòa Bình và Lai Châu chiếm lần lượt 75,5%, 91,5% và 76% tổng sản lượng chè cả năm.
2) Tưới nước bổ sung trong vụ đông xuân (từ tháng 10 đến hết tháng 3) 5 ngày 1 lần với lượng tưới 1000m3/ha/tháng đã làm tăng số lứa hái chè trong vụ đông xuân lên 4 lứa, tăng sản lượng vụ đông xuân lên 15,25 lần, tăng tỷ lệ chè loại A, B lên 86,4% và cho thu lợi nhuận 87,267 triệu đồng/ha, cao nhất trong các công thức thí nghiệm.
3) Sử dụng rơm, rạ với lượng 30 tấn/ha kết hợp với hạt polymer siêu ngậm nước với lượng 50kg/ha
4) Sử dụng các phương pháp giữ ẩm trong điều kiện có tưới nước đã làm tăng sản lượng chè cả năm 17%, đạt 95,35 tạ/ha, lợi nhuận đạt 104,0 triệu đồng/ha, tăng 38% so với đối chứng.
5) Trong điều kiện có tưới nước thời vụ đốn có ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng búp chè. Công thức đốn 15/4 rút ngắn thời gian từ đốn đến thu hái lứa đầu 32 ngày, đồng thời kéo dài thời gian cho thu hoạch búp 16 ngày, nâng sản lượng vụ đông xuân lên 29,08%, cho lợi nhuận đạt 88,76 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 40%.
6) Bón tăng 30% lượng phân khoáng (N, P, K) trong điều kiện có tưới nước bổ sung đã làm cho cây chè sinh trưởng mạnh hơn, sản lượng vụ đông xuân tăng 9%, sản lượng cả năm tăng 19%, lợi nhuận đạt 99,58 triệu đồng/ha cao hơn đối chứng 16%.
7) Trong điều kiện tưới nước, bón phân đạm với tỷ lệ 20%:20:10%:10%:20%:20% vào các tháng 1,3,5,7,9,11 làm cho cây chè sinh trưởng mạnh hơn, tăng số lứa hái trong vụ đông xuân lên 5 lứa, tăng sản lượng vụ đông xuân lên 33,26% tổng sản lượng cả năm, lợi nhuận đạt 108,6 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 18,5%.
8) Áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào mô hình ở các địa phương đã nâng tỷ trọng sản lượng chè vụ đông xuân lên từ 26,8 - 33,6% tổng sản lượng chè cả năm, lợi nhuận đạt từ 64,8 đến 133,4 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng từ 2,5 đến 3,6 lần so với đối chứng.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 14254/2016) tại Cục Thông tin KH&CNQG.
Đ.T.V (NASATI)