Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống cây nuôi cấy mô giai đoạn vườn ươm của một số dòng bạch đàn mô (U6, PN14) và keo lai (BV10, BV16)
Cập nhật vào: Thứ năm - 02/05/2019 04:15 Cỡ chữ
Các loài keo nói chung (Acacia) đặc biệt là keo lai (Acacia mangium x Acacia auriculiformis) và loài cây bạch đàn đã trở thành hai loài cây trồng rừng chính ở nước ta hiện nay. Đây là hai loài cây có tốc độ phát triển nhanh, thích nghi với nhiều dạng lập địa, chất lượng gỗ tốt và đa tác dụng. Đặc biệt cây keo có thể phát triển trên nhữnng lập địa thiếu nitơ vì hệ rễ có nốt sần cố định đạm do đó chúng còn được trồng làm cây cải tạo đất. Hiện nay có rất nhiều dòng keo lai và bạch đàn sinh trưởng phát triển tốt ở vùng Trung tâm Bắc Bộ và đã được công nhận là giống Quốc gia hoặc giống tiến bộ kỹ thuật như: các dòng BV10, BV16, PN14, U6 v.v… Trong đó dòng bạch đàn PN14 được Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy tuyển chọn và đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật. Dòng bạch đàn U6 được nhập từ Trung Quốc và được Bộ NN PTNT công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật 2005, dòng keo lai V10 và V16 được Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam tuyển chọn và được Bộ NN PTNT công nhận là giống Quốc gia.
Năm 2015 Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy đã ban hành quy trình kỹ thuật nhân giống cây nuôi cấy mô giai đoạn vườn ươm của một số dòng Bạch đàn (U6, PN14) và keo lai (BV10, BV16) để phục vụ công tác sản xuất cây giống trồng rừng. Do thời vụ sản xuất cây giống trồng rừng kéo dài từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 4 năm sau đối với bạch đàn mô và từ tháng 8 năm trước cho hết đến tháng 5 năm sau đối với keo lai mô. Đây là khoảng thời gian sản xuất cây giống gặp nhiều khó khăn về điều kiện ngoại cảnh, do gặp phải những điều kiện thời tiết bất lợi gây ra như rét đậm, rét hại kéo dài, sương muối, nhiệt độ thấp, độ ẩm cao…. dẫn đến hàng năm cây giống bị nấm, bệnh chết từ 20% đến 30%, đặc biệt có năm chết đến 50% và gây thiệt hại rất lớn về kinh tế cho sản xuất kinh doanh.
Trong quá trình sản xuất cây giống còn bộc lộ một số hạn chế về kỹ thuật trong quá trình nhân giống cây nuôi cấy mô bạch đàn và keo lai ở giai đoạn vườn ươm như: độ che phủ, chế độ tưới nước, sử dụng loại túi bầu.… Đây là những vấn đề kỹ thuật vẫn còn hạn chế cần được khắc phục bằng các nghiên cứu thử nghiệm để từ đó tìm ra được công thức tối ưu nhất góp phần vào việc hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống cây nuôi cấy mô giai đoạn vườn ươm của bạch đàn mô và keo lai mô.
Nhằm nâng cao tỉ lệ cây xuất vườn đạt tiêu chuẩn và tăng ít nhất 10% so với quy trình cũ, để cung cấp cây giống trồng rừng cho Tổng công ty giấy Việt Nam và các đơn vị trong và ngoài tỉnh Phú Thọ, nhóm nghiên cứu do ông Lữ Văn Thảo, Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống cây nuôi cấy mô giai đoạn vườn ươm của một số dòng bạch đàn mô (U6, PN14) và keo lai (BV10, BV16)”.
Qua một thời gian triển khai, nhóm nghiên cứu thu được các kết quả như sau:
1. Đối với kết quả nghiên cứu hai dòng bạch đàn (U6, PN14).
- Ảnh hưởng của nhà phủ màng ni lon và chế độ tưới nước đến tỉ lệ sống, sinh trưởng và chất lượng của bạch đàn dòng U6, PN14 đều cho hiệu quả cao nhất ở công thức 3 (có phủ màng ni lon, tưới nước 30 giây/lần và 4 lần/ngày) cho tỉ lệ sống đạt cao nhất 94,0% và 94,7% và tỉ lệ cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn cao hơn so với qui trình kỹ thuật cũ là 10,58% và 11,8%.
- Ảnh hưởng của nhà phủ màng ni lon và loại túi bầu đến tỉ lệ sống, sinh trưởng và chất lượng của bạch đàn dòng U6, PN14 đều cho hiệu quả cao nhất ở công thức 2 (có phủ màng ni lon, bầu có đáy) cho tỉ lệ sống cao nhất 94,7% và 94,0%. Tỉ lệ cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn cao hơn so với qui trình kỹ thuật cũ là 12,73% và 10,97%.
- Ảnh hưởng của chế độ tưới nước và loại túi bầu đến tỉ lệ sống, sinh trưởng và chất lượng của bạch đàn dòng U6, PN14 đều cho hiệu quả cao nhất ở công thức 3 (tưới nước 30 giây/lần, 4 lần/ngày, bầu có đáy) cho tỉ lệ sống đạt cao nhất 88,7% và 89,3% và tỉ lệ cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn cao hơn so với qui trình kỹ thuật cũ là 5,59% và 5,43%.
- Có sử dụng hệ thống nhà phủ màng ni lon cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình không sử dụng hệ thống nhà phủ màng ni lon là 1.481.119 đ/10.000 cây giống.
- Có sử dụng chế độ tưới nước tự động cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình không sử dụng chế độ tưới nước tự động là 368.796 đ/10.000 cây giống.
2. Đối với kết quả nghiên cứu hai dòng keo (BV10, BV16).
- Ảnh hưởng của nhà phủ màng ni lon và chế độ tưới nước đến tỉ lệ sống, sinh trưởng và chất lượng của keo lai dòng BV10, BV16 đều cho hiệu quả cao nhất ở công thức 3 (có phủ màng ni lon, tưới nước 30 giây/lần và 4 lần/ngày) cho tỉ lệ sống đạt cao nhất 95,3% và 96,0% và tỉ lệ cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn cao hơn so với qui trình kỹ thuật cũ là 10,49% và 10,41%.
- Ảnh hưởng của nhà phủ màng ni lon và loại túi bầu đến tỉ lệ sống, sinh trưởng và chất lượng của bạch đàn dòng BV10, BV16 đều cho hiệu quả cao nhất ở công thức 2 (có phủ màng ni lon, bầu có đáy) cho tỉ lệ sống cao nhất 94,7% và 93,3%. Tỉ lệ cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn cao hơn so với qui trình kỹ thuật cũ là 10,55% và 10,49%.
- Ảnh hưởng của chế độ tưới nước và loại túi bầu đến tỉ lệ sống, sinh trưởng và chất lượng của bạch đàn dòng BV10, BV16 đều cho hiệu quả cao nhất ở công thức 3 (tưới nước 30 giây/lần, 4 lần/ngày, bầu có đáy) cho tỉ lệ sống đạt cao nhất 90,0% và 89,3% và tỉ lệ cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn cao hơn so với qui trình kỹ thuật cũ là 6,66% và 5,15%.
- Có sử dụng hệ thống nhà phủ màng ni lon cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình không sử dụng hệ thống nhà phủ màng ni lon là 1.911.796 đ/10.000 cây giống.
- Có sử dụng chế độ tưới nước tự động cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình không sử dụng chế độ tưới nước tự động là 870.796 đ/10.000 cây giống.
Với những kết quả đạt được của đề tài trong năm 2016 và năm 2017, đề tài khuyến nghị với các đơn vị sản xuất cây giống lâm nghiệp trong Tổng công ty giấy Việt Nam có thể áp dụng quy trình kỹ thuật nhân giống cây nuôi cấy mô giai đoạn vườn ươm cho một số dòng bạch đàn (U6, PN14 và keo lai (V10, V16) vào sản xuất.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14760/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)