Nghiên cứu giải pháp phát triển thị trường bán lẻ vật tư nông nghiệp ở nông thôn Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ năm - 11/07/2019 03:04 Cỡ chữ
Việc nghiên cứu giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường bán lẻ hàng vật tư nông nghiệp (VTNN) là cần thiết nhằm tạo đầu vào ổn định cho sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện để người dân tiếp cận đượchàng vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh, yên tâm sản xuất, qua đó gia tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Vì thế, năm 2017, nhóm nghiên cứu tại Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công thương do ThS. Nguyễn Thị Hồng dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu giải pháp phát triển thị trường bán lẻ vật tư nông nghiệp ở nông thôn Việt Nam”.
Một số kết quả của nghiên cứu:
- Làm rõ cơ sở lý luận về phát triển thị trường bán lẻ VTNN. Trên cơ sở tổng hợp, phân tích số liệu về thực trạng cung - cầu, về người bán (thương nhân tham gia sản xuất, kinh doanh đối với các mặt hàng VTNN), về người mua (thông qua việc sử dụng và tiếp cận hệ thống cửa hàng bán lẻ), hệ thống phân phối của một số mặt hàng VTNN chủ yếu; hệ thống hóa và phân tích những chính sách khuyến khích phát triển thị trường bán lẻ VTNN, các quy định quản lý một số mặt hàng VTNN chủ yếu (PB, TACN, TBVTV, TTY). Đề tài đã chỉ ra những mặt được, mặt hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế của thị trường VTNN cũng như các chính sách khuyến khích phát triển thị trường bán lẻ vật tư nông nghiệp, văn bản quản lý một số mặt hàng VTNN chủ yếu. Qua đó, chỉ rõ những vấn đề đặt ra cần giải quyết trong thời gian tới nhằm phát triển thị trường bán lẻ VTNN.
- Trên cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển thị trường bán lẻ VTNN ở nông thôn Việt Nam, kết hợp với phân tích bối cảnh trong và ngoài nước ảnh hưởng tới sự phát triển của thị trường này, đề tài đã xây dựng quan điểm, mục tiêu, định hướng và những giải pháp chủ yếu nhằm phát triển thị trường bán lẻ VTNN ở nông thôn Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030. Trong phần giải pháp tập trung đề xuất sửa đổi, bổ sung một số văn bản quản lý mặt hàng VTNN và một số chính sách khuyến khích phát triển cung – cầu, hệ thống phân phối mặt hàng VTNN nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay để có thể phát triển thị trường bán lẻ VTNN phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Đặc biệt, đề tài đã đề xuất một số giải pháp mới: đề xuất các doanh nghiệp thành lập các trung tâm tư vấn và bán sản phẩm; xây dựng kênh phân phối theo chuỗi, chú trọng đến hệ thống cửa hàng, đại lý bán lẻ; đề xuất các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động nhượng quyền thương mại trong việc kinh doanh VTNN với đối tượng nhận quyền khuyến khích sự tham gia của các hợp tác xã; khuyến khích xây dựng kênh phân phối theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương... Để thực hiện đượccác giải pháp nêu trên, đề tài đã phân tích các điều kiện để thực hiện giải pháp trong đó tập trung chính về nguồn nhận lực và nguồn lực tài chính.
Nhóm nghiên cứu hy vọng với những giải pháp đề xuất sẽ góp phần phát triển thị trường bán lẻ VTNN trong thời gian tới.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14608/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)
nghiên cứu, giải pháp, thúc đẩy, phát triển, thị trường, bán lẻ, nông nghiệp, cần thiết, ổn định, sản xuất, tiếp cận, bảo đảm, giá cả, cạnh tranh, yên tâm, gia tăng, thu nhập, nâng cao, đời sống, góp phần, kinh tế