Nghiên cứu giải pháp kiểm soát chất cấm sử dụng trong chăn nuôi (clenbuterol, salbutamol, ractopamine, chloramphenicol, nitrofuran)
Cập nhật vào: Thứ sáu - 12/07/2019 03:34 Cỡ chữ
Việc sử dụng chất cấm và lạm dụng kháng sinh, hóa chất gây ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi vẫn đang là vấn nạn của hầu hết các nước, ngay cả những nước phát triển. Ở nước ta, hầu như rất ít các công trình nghiên cứu liên quan đến việc sử dụng và quản lý các chất cấm dùng trong chăn nuôi. Bởi vậy, từ trước tới nay, việc xây dựng thể chế, đặc biệt là các văn bản liên quan đến quản lý nhà nước đối với việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, chủ yếu dựa vào việc tham khảo các tài liệu của nước ngoài, các tổ chức quốc tế, đồng thời tham khảo các ý kiến tư vấn của các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực liên quan. Với cách tiếp cận và phương pháp như vậy, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thức ăn chăn nuôi đã có những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, còn nhiều bất cập về các giải pháp cụ thể, đặc biệt là việc xây dựng các quy trình kiểm soát pháp lý đối với một số chất cấm quan trọng như nhóm các chất Beta -agonist vẫn chưa được xây dựng vì thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn.
Từ đó, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Khảo, kiểm nghiệm và kiểm định Chăn nuôi đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu giải pháp kiểm soát chất cấm sử dụng trong chăn nuôi (clenbuterol, salbutamol, ractopamine, chloramphenicol, nitrofuran)” trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2017.
Một số kết quả của nghiên cứu:
- Đã lựa chọn được phương pháp phân tích định lượng hàm lượng các chất cấm Beta Agonist (Salbutamol, Ractopamine, Clenbuterol) trong thức ăn chăn nuôi và nước tiểu để khuyến cáo xây dựng thành TCVN, trong đó các thông số ký thuật cơ bản là: Thiết bị bằng sắc ký ghép khối phổ, sử dụng nội chuẩn Salbutamol –D3; Ractopamine - D6; Clenbuterol - D9, giới hạn phát hiện (LOD) = 2,8ppb, giới hạn định lượng (LOQ) - 8 ppb, hiệu suất thu hồi 80 - 110%
- Đã lựa chọn được phương pháp phân tích định lượng hàm lượng các chất cấm CAP trong thức ăn chăn nuôi để khuyến cáo xây dựng thành TCVN, trong đó các thông số ký thuật cơ bản là: Thiết bị bằng sắc ký ghép khối phổ, sử dụng nội chuẩn Chloramphenicol-d5, giới hạn phát hiện (LOD) = 2,5 ppb, giới hạn định lượng (LOQ) - 8 ppb, hiệu suất thu hồi 80 - 110%
- Kết quả điều tra thực trạng kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi trong giai đoạn 2011-2016 cho thấy theo thời gian công tác kiểm soát chất cấm tại các địa phương ngày càng được cải thiện. Đến hết năm 2016 tình hình sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta Agonist đã được được kiểm soát.
- Tốc độ và thời gian đào thải các chất cấm Beta Agonist và kháng sinh cấm trong mô gan thịt thận có mối quan hệ với tốc độ và thời gian đào thải của chúng trong nước tiểu. Căn cứ vào mối quan hệ này có thể ước tính thời gian nuôi lợn tối thiểu trước khi xuất bán từ khi phát hiện có chất cấm trong nước tiểu để áp dung trong quy trình kiểm soát sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14612/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)