Nghiên cứu chọn tạo giống ớt, dưa leo và khổ qua lai F1 cho các tỉnh phía Nam
Cập nhật vào: Thứ sáu - 06/09/2019 14:57 Cỡ chữ
Sản xuất rau là ngành có những bước phát triển nhanh trong nông nghiệp Việt Nam. Trong 10 năm (1995 - 2005), tốc độ tăng sản lượng rau đạt 9,3% trong khi toàn ngành nông nghiệp chỉ đạt 4,5%. Diện tích trồng rau của nước ta năm 2001 là 514.600 ha, năm 2006 là 643.970 ha và năm 2016 là khoảng 887.800 ha với tổng sản lượng rau năm 2016 là 15,7 triệu tấn. Năng suất cũng tăng lên hằng năm, trung bình năm 2006 đạt khoảng 15 tấn/ha, đến năm 2016 đạt 17,7 tấn/ha.
Có nhiều yếu tố tác động thúc đẩy sự tăng trưởng trên, trong đó, công nghệ giống đóng vai trò rất quan trọng. Với diện tích hơn 800 nghìn hecta rau, mỗi năm nước ta cần khoảng 9.000 - 11.000 tấn hạt giống, trong đó, lượng hạt giống nhập nội do các công ty giống cung cấp chiếm lượng lớn nhất, giống do các công ty giống và cơ quan nghiên cứu trong nước chọn tạo chỉ chiếm một phần nhỏ thị trường giống hiện nay.
Trong số các loại rau được canh tác ở nước ta, đặc biệt là miền Nam thì ớt cay, dưa leo và khổ qua được trồng nhiều nhất, và đối với một số vùng, đây là những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây ớt cay hiện nay đang được xuất khẩu mạnh nên được trồng nhiều và trồng tập trung thành từng vùng. Các tỉnh trồng ớt nhiều như Thái Bình (950 ha), Bình Định (500 ha), Đồng Tháp (1.300 ha), Tiền Giang (800 ha), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, An Giang,… hình thành các vùng chuyên canh cây ớt với quy mô tập trung 100 đến 300 ha, cung cấp cho thị trường xuất khẩu một lượng hàng hóa lớn.
Cây dưa leo từ lâu luôn giữ vị trí quan trọng trong nhóm cây rau chủ lực của nước ta. Từ năm 2009, diện tích gieo trồng dưa leo của cả nước là 31.570 ha, đứng đầu các loại rau nên sản lượng đạt rất cao (577.218 tấn), chỉ xếp sau cải bắp (676.306 tấn). Hầu như tất cả các tỉnh thành đều có trồng dưa leo, nhiều nhất là Hưng Yên, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, mỗi tỉnh có trên 1.000 ha dưa leo.
Khổ qua là loại rau có giá trình dinh dưỡng cao nhất trong các cây thuộc nhóm bầu bí, chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt hàm lượng vitamin C và sắt cao. Ở miền Nam, khổ qua được trồng phổ biến hơn miền Bắc và có thể canh tác quanh năm, được người dân vùng này ưa chuộng do có vị đắng, tính hàn, không độc và nhiều công dụng chữa bệnh khác.
Do đây là các cây trồng quan trọng nên việc sử dụng giống phù hợp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của các loại cây này nói riêng và của ngành trồng rau nói chung. Nhằm mục đích chọn tạo ra giống ớt cay, dưa leo, khổ qua mới phục vụ yêu cầu sản xuất ở miền Nam, từng bước phát triển ngành chọn giống rau trong nước, đề tài nghiên cứu khoa Nông học cấp Bộ: “Nghiên cứu chọn tạo giống ớt, dưa leo và khổ qua lai F1 cho các tỉnh phía Nam” đã được Bộ nghiệp và PTNT giao cho Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện từ năm 2012 đến năm 2016.
Đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống ớt, dưa leo và khổ qua lai F1 cho các tỉnh phía Nam” do ThS. Trần Kim Cương phối hợp với các cán bộ của Bộ môn Rau và Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ thuộc Viện Cây ăn quả miền Nam, phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cùng thực hiện với mục tiêu chung là nhằm chọn tạo được giống lai F1 ớt cay, dưa leo, khổ qua có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu khá một số sâu bệnh hại chính, phù hợp với điều kiện sản xuất tại các tỉnh phía Nam.
Qua thời gian thực hiện, đề tài đã tạo được 5 giống lai F1 mới được Hội đồng Khoa học của Cục Trồng trọt công nhận kết quả nghiên cứu, bao gồm:
- Giống ớt chỉ thiên LĐ14 (OT3 x OT15) cho năng suất 31,7 tấn/ha, chống chịu bệnh thán thư, quả chín, màu đỏ đậm, quả suông đẹp, thịt quả dày 1,8 mm, chắc, vị rất cay, hàm lượng chất khô cao 26,7%, có thể phổ biến ra sản xuất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ.
- Giống ớt chỉ thiên BĐC-01 (Bay Lý Sơn x Chỉ thiên quả dài) sinh trưởng mạnh, năng suất 21,8 tấn/ha, chống chịu bệnh thán thư, đặc điểm quả phù hợp yêu cầu thị trường, có thể phổ biến ra sản xuất tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ.
- Giống dưa leo MĐ06 cho năng suất 48,4 tấn/ha, chống chịu bệnh phấn trắng, quả suông, vỏ xanh, gai trắng, thịt quả chắc, ngọt, giòn, không đắng, thích hợp ăn tươi. Giống có thể phổ biến ra sản xuất tại các tỉnh miền Đông Nam bộ.
- Giống khổ qua LĐ15 9K32 x K1) cho năng suất 38,4 tấn/ha, chống chịu bệnh đốm lá, quả dạng thuôn, màu xanh bóng, gai nở, khối lượng quả 136 g, thịt quả dày 1,1 cm thích hợp thị hiếu người tiêu dùng. Giống có thể phổ biến ra sản xuất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ.
- Giống khổ qua GL1-13 9TL26 x VL12) cho năng suất cao và ổn định từ 43,8 - 50,4 tấn/ha, chống chịu bệnh đốm lá, quả dạng thuôn dài, khối lượng 150 g/quả, thịt quả dày 1,1 cm, gai nở, màu xanh. Giống có thể phổ biến ra sản xuất tại các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Nam Trung bộ.
- Quy trình kỹ thuật canh tác và quy trình sản xuất hạt lai cho mỗi giống mới cũng được xây dựng từ kết quả nghiên cứu và thực tế sản xuất. Quy trình sản xuất hạt lai đạt năng suất hạt 200 - 250 kg/ha (giống ớt chỉ thiên LĐ14), 400 - 500 kg/ha (giống khổ qua LĐ15). 80 - 100 kg/ha (giống ớt chỉ thiên BĐC.01), 150 - 200 kg/ha (giống dưa leo MĐ06), 180 - 190 kg/ha (giống khổ qua GL1-13). Các quy trình này đã được Hội đồng cấp cơ sở thông qua và cho phép áp dụng vào thực tế sản xuất.
- Ngoài ra, đề tài còn tạo được 5 tổ hợp lai có nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất và phẩm chất quả, bao gồm 1 tổ hợp lai ớt chỉ thiên 9Bay Lý Sơn x Bay Thái Lan) được chọn là giống khảo nghiểm sản xuất cho vùng sinh thái Duyên hải Nam Trung bộ, 1 tổ hợp lai ớt chỉ thiên (OT33xOT3), 2 tổ hợp lai dưa leo (CP1 x R4) và (O4 x C10), 1 tổ hợp lai khổ qua (K32 x K11) được chọn là giống khảo nghiệm sản xuất cho các tỉnh phía Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15045/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia. P.K.L (NASATI)