Khoa học và công nghệ đã và đang tạo động lực lớn thúc đẩy gia tăng giá trị cho lĩnh vực nông nghiệp
Cập nhật vào: Thứ tư - 11/09/2024 00:05 Cỡ chữ
Ở các quốc gia phát triển, khoa học công nghệ (KHCN) giúp gia tăng giá trị lĩnh vực nông nghiệp lên đến 50%. Tại Việt Nam, con số này dù tăng dần qua mỗi năm nhưng hiện mới dừng ở khoảng 30%.
Theo Bộ NN&PTNT, KHCN đóng vai trò quan trọng đối với phát triển nông nghiệp nói chung. Những ứng dụng của KHCN bao trùm trên tất cả các lĩnh vực từ trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, cho đến thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi, công nghệ sau thu hoạch… Hoạt động chuyển giao KHCN được triển khai mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất. Điều này góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân 3 năm (giai đoạn 2021 - 2023) đạt 3,35%/năm.
Nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, việc tạo ra giống lúa mới đã trở nên hiệu quả hơn. Ngày nay, các nhà khoa học chỉ cần 30 - 50 tổ hợp lai để chọn tạo ra một giống lúa mới, so với khoảng 100 tổ hợp lai như trước đây. Điều này giúp rút ngắn thời gian chọn giống xuống còn khoảng 5 năm.
Cây cà phê Việt Nam cũng có những đột phá về năng suất, khi đang cao gấp 3 lần so với năng suất cà phê trên thế giới. Cây điều cung cấp khoảng 40% tổng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến điều của Việt Nam. Sản xuất rau và cây ăn quả trong những năm qua liên tục tăng về diện tích, năng suất và sản lượng, chủng loại đa dạng phong phú. Dấu ấn của KHCN trong chăn nuôi, thú y cũng được thể hiện rõ nét. Hiện nay, có 54 giống vật nuôi năng suất và chất lượng cao được đưa vào sản xuất. Không chỉ vậy, việc vaccine dịch tả lợn châu Phi “Made in Vietnam” chính thức xuất khẩu sang 5 quốc gia bao gồm Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar là niềm tự hào lớn của ngành chăn nuôi nước nhà. Đối với lĩnh vực thủy sản, giai đoạn 2016 - 2023, có 22 giống mới, 28 tiến bộ kỹ thuật, 13 sáng chế và 14 quy trình, giải pháp hữu ích đã được công nhận. Nhờ sự đóng góp của khoa học công nghệ, ngành thủy sản đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 4,5 - 5%. Lâm nghiệp cũng là một điểm sáng trong hoạt động ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo. Thời gian qua, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã có 78 giống cây trồng, 35 tiến bộ kỹ thuật, 11 sáng chế và các giải pháp hữu ích được công nhận…
Thực tế cho thấy, KHCN đã và đang tạo động lực lớn thúc đẩy gia tăng giá trị cho lĩnh vực nông nghiệp. Dù vậy, nhìn nhận khách quan, đóng góp của KHCN vào sự phát triển nông nghiệp của nước ta hiện vẫn còn hạn chế, trong khi các nước phát triển có mức đóng góp lên tới trên 50% thì tại Việt Nam, con số này mới vào khoảng 30%. Khoa học công nghệ giúp xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong những năm qua liên tục tăng. Năm 2024, Bộ NN&PTNT kỳ vọng xuất khẩu nông sản có thể đạt 60 tỷ USD, vượt khoảng 5 tỷ USD so với kỳ vọng Thủ tướng Chính phủ đặt ra từ đầu năm nay. Bên cạnh đó, điểm nghẽn hiện nay trong phát triển KHCN là Luật Sở hữu trí tuệ, bản quyền giống, hay cơ chế hoàn vốn đối với ngân sách đầu tư cho nghiên cứu. Đây là những nút thắt cần sớm được tháo gỡ để khuyến khích các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và các viện, trường nhiệt tâm hơn và dấn thân hơn vào nghiên cứu.
P.T.T (tổng hợp)