Dự báo xu thế biến đổi lòng dẫn, sự hạ thấp mực nước và đề xuất giải pháp khắc phục, khai thác hiệu quả công trình thủy lợi (cống qua đê, trạm bơm tưới, công trình bảo vệ bờ) trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình
Cập nhật vào: Thứ năm - 11/07/2019 03:00 Cỡ chữ
Nhóm nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, đã thực hiện đề tài: “Dự báo xu thế biến đổi lòng dẫn, sự hạ thấp mực nước và đề xuất giải pháp khắc phục, khai thác hiệu quả công trình thủy lợi (cống qua đê, trạm bơm tưới, công trình bảo vệ bờ) trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình” trong thời gian từ năm 2015-2017.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: Dự báo được xu thế diễn biến và đánh giá các tác động của biến đổi lòng dẫn, hạ thấp mực nước sông Hồng - Thái Bình đến hệ thống công trình thủy lợi; đề xuất được các giải pháp tổng hợp (công trình, quản lý, quy hoạch chỉnh trị, quan trắc, đánh giá,...) nhằm khắc phục các tác động bất lợi của biến đổi lòng dẫn, hạ thấp mực nước hệ thống sông Hồng - Thái Bình đến công trình thủy lợi; đưa ra được kiến nghị có cơ sở khoa học và thực tiễn liên quan đến giới hạn quy mô khai thác cát làm căn cứ để các Bộ, Ngành, Chính phủ có các quyết sách trong quản lý và khai thác dòng sông.
Các kết quả nghiên cứu chính đã đạt được:
(1) Về phát triển công nghệ
Lần đầu tiên đã thực hiện thành công bài toán dự báo hình thái và mực nước trên các sông chính của hệ thống sông Hồng với các kịch bản có mô phỏng quá trình khai thác cát trên lòng dẫn với số lượng vị trí khai thác phân bố rộng cũng như quy mô khai thác lớn. Đây là điểm khác biệt lớn và hoàn toàn mới so với các nghiên cứu dự báo hình thái trước đây đã thực hiện trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Kết quả nghiên cứu đã rút ra các kinh nghiệm lớn và bài học quan trọng trong việc mô phỏng các tác động không tự nhiên tới quá trình lòng dẫn và chế độ thủy động lực của một con sông nói chung và sông Hồng nói riêng.
(2) Đánh giá quá trình diễn biến lòng dẫn và biến động mực nước mùa kiệt trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình (một cách có hệ thống, theo chiều dọc sông, tại vị trí các công trình thủy lợi):
a) Quá trình diễn biến lòng dẫn và biến động mực nước mùa kiệt trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình từ sau năm 2000 đến nay
b) Các tác động của quá trình diễn biến trên đến hoạt động của các công trình thủy lợi
(3) Dự báo được xu thế biến đổi hạ thấp lòng dẫn và mực nước mùa kiệt hệ thống sông Hồng - Thái Bình đến các giai đoạn 2020, 2025 và 2030.
(4) Kết quả nghiên cứu đề xuất các giải pháp khắc phục, hạn chế các tác động của biến động hạ thấp lòng dẫn và mực nước mùa kiệt nhằm khai thác hiệu quả công trình thủy lợi trên sông Hồng, sông Thái Bình.
Trên cơ sở kế thừa và tiếp tục phát triển, đã đề xuất xem xét chi tiết hơn giải pháp chỉnh trị khu vực cửa vào sông Đuống với một số điều chỉnh về quy mô để làm gia tăng mực nước mùa kiệt trên sông Hồng. Giải pháp này thực chất là bước quá độ trong việc chỉnh trị tổng thể cửa vào sông Đuống và là 1 bước chuẩn bị trước công trình dâng mực nước kiệt tại Long Tửu triển khai. Với việc lấp các hố xói và nâng cao độ đáy sông, việc thi công xây dựng đập dâng tại Long Tửu sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14607/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)
nghiên cứu, phòng thí nghiệm, trọng điểm, quốc gia, khoa học, thực hiện, xu thế, giải pháp, khắc phục, khai thác, hiệu quả, bảo vệ, hệ thống, thái bình, thời gian