Tác động của AI và sự cần thiết xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với AI tại Việt Nam
Cập nhật vào: Chủ nhật - 01/12/2024 12:01 Cỡ chữ
AI là một lĩnh vực công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần quan trọng tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, AI cũng có những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân, như quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân, việc làm... Do đó, việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về AI ở Việt Nam đang đặt ra cấp thiết, nhằm quản trị AI để phát huy được những yếu tố tích cực, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc ứng dụng công nghệ này.
AI - Cơ hội và thách thức
AI - một trong những công nghệ lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - được ứng dụng rộng rãi và đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc gia; là công cụ hữu hiệu kích thích tăng trưởng, động lực chính trong chiến lược chuyển đổi số của nhiều quốc gia trên thế giới. Những năm gần đây, AI đã có những bước tiến đột phá. Sự xuất hiện của ChatGPT vào tháng 11-2022 đã gây ra “cơn sốt” trên toàn thế giới. Cũng trong năm 2022, Open AI giới thiệu DALL-E-2 - công cụ AI có khả năng tạo hình ảnh từ văn bản; tạo ra các biến thể dựa trên phong cách của những nghệ sĩ nổi tiếng... Nếu như trước đây, các robot có tích hợp AI vẫn bị mặc định là những cỗ máy vô cảm, không thể có được cảm xúc giống con người, thì hiện nay, một số chương trình phát triển AI đã tạo ra các sản phẩm thông minh về mặt cảm xúc, sử dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực, như tiếp thị, chăm sóc sức khỏe, nghệ thuật.
Có thể nói, những tiến bộ vượt bậc của AI đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến đời sống văn hóa - xã hội; định hình lại cách thức, phương thức của một số hoạt động kinh tế và cách mạng hóa nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, sự phát triển của AI đã đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia:
Về xã hội, AI tác động lớn đến thị trường lao động và bất bình đẳng kinh tế. Dự báo, có khoảng 800 triệu công nhân trên toàn cầu sẽ mất việc làm vào năm 2030 do tác động của AI. Ở cấp độ khu vực, theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), một nửa số người lao động làm công ăn lương (khoảng 137 triệu công nhân) ở Campuchia, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái Lan có thể mất việc trong 20 năm tới. Những tiến bộ có tính chất đột phá của AI có thể làm thay đổi đáng kể thị trường việc làm, từ đó gây ra những bất bình đẳng về thu nhập, khoảng cách giữa người lao động có trình độ cao với những người lao động có trình độ trung bình hoặc thấp sẽ ngày càng lớn, có thể dẫn tới bất ổn xã hội gia tăng. Bên cạnh đó, việc sử dụng phổ biến AI cũng đặt ra các vấn đề về đạo đức, những thiên kiến về giới hay chủng tộc, những vấn đề về quyền riêng tư và an ninh.
Về kinh tế, AI dự báo sẽ đóng góp khoảng 15,7 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu năm 2030. Từ góc độ khu vực, Trung Quốc và Bắc Mỹ được dự báo sẽ chứng kiến những tác động lớn nhất của AI. Sự phát triển của AI và sự bùng nổ về kinh tế của nó đang mở đường cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ năm và AI sẽ là trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp mới này. Đây có thể là một cơ hội nhảy vọt cho các thị trường mới nổi nếu họ có chính sách phù hợp, đáp ứng các tiêu chí của cuộc cách mạng này. Đối với các quốc gia ASEAN, AI có thể có tác động đáng kể đến nền kinh tế ASEAN, có khả năng giúp GDP tăng trưởng từ 10% đến 18%, tương đương trị giá gần 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, AI cũng tác động tiêu cực về mặt kinh tế. Sự vận hành, phát triển của AI dựa trên nguồn dữ liệu khổng lồ (big data), nguồn dữ liệu này chủ yếu nằm trong tay những tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) trên thế giới, trong đó khoảng 65% trung tâm dữ liệu toàn cầu thuộc sở hữu của Amazon, Microsoft và Google. Để phát triển sản phẩm, các doanh nghiệp khởi nghiệp đều phải sử dụng và phụ thuộc vào dữ liệu của ba “ông lớn” công nghệ này. Điều đó đồng nghĩa với việc các sản phẩm công nghệ AI của các doanh nghiệp khởi nghiệp bị kiểm soát và chi phối bởi các ông lớn, tạo ra sự độc quyền về công nghệ - yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế ở tầm vĩ mô.
Về an ninh quốc gia, AI được sử dụng để phân tích khối lượng dữ liệu lớn từ nhiều nguồn khác nhau một cách nhanh chóng và hiệu quả để xác định các mối đe dọa tiềm tàng, như tấn công mạng, hoạt động khủng bố... Những phân tích, dự báo của AI giúp các cơ quan an ninh chủ động ngăn chặn các cuộc tấn công mạng, các hành động khủng bố và ứng phó hiệu quả với các cuộc khủng hoảng. Công nghệ nhận dạng khuôn mặt được hỗ trợ bởi AI giúp việc xác định và bắt giữ nghi phạm một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, AI có thể được sử dụng để tấn công mạng, khai thác các lỗ hổng trong hệ thống bảo mật máy tính, làm tê liệt hoàn toàn hệ thống máy chủ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Những tác động đa chiều của AI đến đời sống kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia, tổ chức, cá nhân, đòi hỏi các tổ chức quốc tế, các thiết chế khu vực và mỗi quốc gia cần có cơ chế pháp lý để quản trị AI nhằm phát huy những yếu tố tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc ứng dụng công nghệ này, cụ thể:
Liên Hợp quốc: Ngày 21-3-2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết toàn cầu đầu tiên về AI nhằm kêu gọi các nước chung tay bảo vệ quyền con người, bảo vệ dữ liệu cá nhân và kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn từ công nghệ này. Nghị quyết này do Hoa Kỳ đề xuất và không mang tính ràng buộc pháp lý nhưng nó được hơn 120 quốc gia khác đồng bảo trợ.
Hoa Kỳ: Ngày 30-10-2023, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh của cơ quan hành pháp “Phát triển và sử dụng AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy”.
Trung Quốc: Năm 2017, Trung Quốc công bố “Kế hoạch phát triển AI thế hệ mới” tầm nhìn đến 2030 với lộ trình: Bắt kịp các nước phương Tây vào năm 2023, vượt qua các nước phương Tây vào năm 2025, dẫn đầu thế giới vào năm 2030.
Liên minh châu Âu (EU): Tháng 2-2024, đạo luật về AI đã được Nghị viện châu Âu thông qua. Đây là đạo luật đầu tiên trên thế giới điều chỉnh toàn diện các vấn đề về AI.
ASEAN: Sau Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN lần thứ 20 (AMMSTI-20), các quốc gia ASEAN đã tuyên bố triển khai 5 hoạt động liên quan đến AI và thành lập một nhóm công tác về quản trị AI.
Sự cần thiết xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với AI tại Việt Nam
Là một quốc gia phát triển nền “kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế” và “có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới…, thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, với cơ cấu tỷ lệ dân số vàng…, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm nhận thức rõ vai trò quan trọng của những thành tựu công nghệ mới trong sự phát triển đất nước. Ngày 22-3-2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23/NQ-TW, về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định, một trong những ngành công nghệ cần ưu tiên phát triển là công nghệ thông tin, theo đó “giai đoạn 2030 - 2045, tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hoá…”(8). Tiếp đó, ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong nghị quyết này, lần đầu tiên nhắc đến khái niệm “trí tuệ nhân tạo” và xác định đây là một trong những lĩnh vực cần có chính sách ưu tiên phát triển(9). Ngày 17-4-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, trong đó, giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia đối với một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên phát triển là AI. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngày 26-1-2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
Định hướng chiến lược trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 chỉ rõ: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến AI, theo đó cần xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý thông thoáng đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào cuộc sống; phát triển và ứng dụng AI lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân(11). Có thể nói, cơ sở chính trị đã được thiết lập đầy đủ cho việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế pháp lý điều chỉnh các vấn đề liên quan đến AI.
Về cơ sở thực tiễn, trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, như Viettel, FPT, CMC, VNPT, Vingroup đã từng bước nắm bắt xu hướng phát triển thị trường, ứng dụng các tiến bộ của công nghệ AI để cung cấp các sản phẩm AI cho nhu cầu thị trường trong nước(11). Theo Báo cáo về chỉ số sẵn sàng cho AI của Chính phủ năm 2023, Việt Nam đã tăng điểm trung bình, đạt 54,48 điểm vào năm 2023 so với 53,96 vào năm 2022. Kết quả này giúp Việt Nam vượt qua Philippines để vươn lên vị trí thứ 5/10 nước ASEAN(12). Điều này không chỉ phản ánh sự phát triển của công nghệ AI, mà còn cho thấy xu hướng hình thành nền công nghiệp AI tại Việt Nam. Với những lợi thế nhất định trong lĩnh vực này, công nghệ AI của Việt Nam có khả năng kế thừa những thành tựu của công nghệ AI trên thế giới. Lực lượng lao động trong lĩnh vực AI của Việt Nam có bước phát triển nhanh, từng bước tiếp cận với trình độ của thế giới… Do đó, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện một hành lang pháp lý minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của thị trường công nghệ AI, phát huy hiệu quả của AI đối với xã hội; đồng thời hạn chế những tiêu cực, rủi ro có thể mang lại.
Về cơ sở thực tiễn, đến nay Việt Nam đã có các quy định mang tính chất pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân (Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân). Tuy nhiên, để phát triển AI bền vững, Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ hơn, trong đó:
Cần bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân khi tham gia vào quá trình phát triển AI. Chính phủ cần ban hành chính sách pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân khi phát triển và ứng dụng AI; yêu cầu các cơ quan, doanh nghiệp phải tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu, quản lý và sử dụng các dữ liệu của người dân một cách an toàn, không xâm phạm quyền riêng tư của công dân.
Đạo đức trong ứng dụng AI: Xây dựng và ban hành các quy định về đạo đức trong phát triển và ứng dụng AI, đảm bảo công bằng và minh bạch trong quá trình ứng dụng AI trong các ngành, lĩnh vực như tuyển dụng, y tế, giáo dục và tư pháp.
Nâng cao năng lực quản lý và phát triển AI tại các bộ, ngành: Tạo ra một môi trường thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này, đồng thời nâng cao năng lực quản lý và phát triển AI cho các cơ quan, tổ chức của nhà nước.
AI là công nghệ nền tảng có khả năng tạo ra những đột phá về năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế và an ninh quốc gia, đồng thời có thể làm thay đổi mạnh mẽ thị trường lao động và tạo ra những vấn đề đạo đức cần được giải quyết. Vì vậy, việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về AI ở Việt Nam là điều vô cùng cần thiết, nhằm tận dụng những lợi ích từ AI trong khi giảm thiểu những tác động tiêu cực của nó đối với đời sống kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia.
P.A.T (tổng hợp)