Nỗ lực để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong xã hội số bao trùm tại Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ hai - 28/10/2024 00:07 Cỡ chữ
Diễn đàn đa phương (MSF) 2024 vừa diễn ra tại Hà Nội đã đặt ra bài toán lớn về việc thu hẹp khoảng cách số trong xã hội số bao trùm tại Việt Nam, nhằm bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Đây là vấn đề được thảo luận sôi nổi tại sự kiện, thu hút sự quan tâm của nhiều bên liên quan, bao gồm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tổ chức công đoàn, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế.
Phiên thảo luận cấp cao tại Diễn đàn MSF 2024 với sự tham gia của nhiều chuyên gia
Phát biểu tại diễn đàn, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam, đã chỉ ra rằng, mặc dù Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong quá trình chuyển đổi số, như tăng 15 bậc trong chỉ số phát triển chính phủ số của Liên Hợp Quốc, nhưng không phải ai cũng được hưởng lợi từ sự bùng nổ này. Với hơn 80% dân số kết nối Internet và 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có cư dân mạng tích cực nhất thế giới. Tuy nhiên, ông Haverman cảnh báo rằng một số nhóm như người lớn tuổi, cộng đồng nông thôn, và những người có hiểu biết hạn chế về công nghệ đang có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. "Chúng ta phải tự hỏi: Ai có quyền tiếp cận những cơ hội này?" - ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam đặt vấn đề.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, chia sẻ rằng, chuyển đổi số chỉ mang lại tiến bộ thực sự khi tất cả mọi người, đặc biệt là những nhóm yếu thế, đều có thể tiếp cận và sử dụng công nghệ. "Chúng tôi tin rằng công nghệ không chỉ là công cụ mà còn là chìa khóa mở ra tương lai", ông khẳng định. Samsung đã và đang triển khai nhiều sáng kiến nhằm thu hẹp khoảng cách số và mang lại cơ hội phát triển cho mọi người dân.
Tại MSF 2024, các tổ chức và doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách số. UNDP nhấn mạnh ba trọng tâm trong công cuộc này: đặt con người vào trung tâm phát triển kỹ thuật số, thúc đẩy hợp tác đa bên, và xây dựng cơ sở hạ tầng dễ tiếp cận đồng thời cải thiện kỹ năng kỹ thuật số. Ông Patrick Haverman ví von: "Nếu trước đây chúng ta dạy ai đó cách đánh cá, thì giờ đây, chúng ta phải dạy họ cách sử dụng công nghệ số".
Samsung Việt Nam cũng đưa ra ba cách tiếp cận chính: trao quyền cho thế hệ trẻ, phát triển công nghệ từ cộng đồng, và hợp tác, kết nối với các đối tác để tạo ra giá trị bền vững. Theo ông Nguyễn Hữu Khoa, Trưởng phòng Trách nhiệm xã hội của Samsung Việt Nam, thế hệ trẻ cần được trang bị các kỹ năng cần thiết như tư duy sáng tạo và sự đồng cảm để trở thành những nhà đổi mới tương lai. Samsung đã triển khai nhiều dự án giáo dục về công nghệ cho học sinh từ tiểu học đến đại học, nhằm đảm bảo các em không chỉ tiếp cận mà còn làm chủ công nghệ. Ông Kim Yong Sup, Phó Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi không chỉ hỗ trợ công nghệ mà còn tạo ra một hệ sinh thái kỹ thuật số, nơi mọi người có thể dễ dàng sử dụng và lan tỏa kiến thức đến cộng đồng".
Bên cạnh đó, Samsung còn thúc đẩy các giải pháp phát triển từ cộng đồng, như sáng kiến Solve for Tomorrow, đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước từ năm 2019. Cuộc thi này khuyến khích học sinh phát hiện và giải quyết các vấn đề trong cộng đồng bằng các giải pháp công nghệ. Các sáng kiến như phân loại rác thải, thiết bị cảnh báo cho trẻ em và người cao tuổi đã chứng minh tính ứng dụng cao và có thể triển khai rộng rãi tại nhiều địa phương.
Một yếu tố quan trọng khác được nhấn mạnh tại diễn đàn là hợp tác giữa các bên liên quan. Samsung đã khẳng định rằng, với sự đồng hành của các cấp lãnh đạo, tổ chức phi chính phủ và các đối tác tư nhân, hãng đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực cho cộng đồng trong hơn 16 năm hoạt động tại Việt Nam. Ông Choi Joo Ho cho biết: "Chúng tôi đang phát triển các giải pháp thông minh trong chuỗi cung ứng, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, nhằm hướng tới mục tiêu ESG và CSR, xây dựng một xã hội bao trùm số nơi mọi người đều có cơ hội phát triển".
Tại MSF 2024, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) cùng Samsung Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ra mắt Sáng kiến Công nghệ Bao trùm (InclusiveTech Initiative). Mục tiêu của sáng kiến là kết nối những người sáng tạo công nghệ với các nhóm yếu thế trong xã hội, giúp họ hòa nhập và phát triển thông qua các giải pháp sáng tạo. Sáng kiến này sẽ tổ chức Giải thưởng InclusiveTech Initiative hàng năm để tôn vinh những cá nhân và tổ chức xuất sắc trong việc thúc đẩy công nghệ bao trùm. Năm nay, đã có 23 đề cử từ các sáng kiến hướng tới người khiếm thị, trẻ em dân tộc thiểu số, và công nhân.
Với những khuyến nghị và sáng kiến được chia sẻ tại MSF 2024, các bên liên quan đều cam kết sẽ có hành động cụ thể để thúc đẩy xã hội bao trùm số tại Việt Nam. Theo khảo sát sau diễn đàn, 76% đại biểu cho biết họ đang cân nhắc triển khai các hoạt động sau sự kiện. Diễn đàn MSF 2024 đã không chỉ đặt ra bài toán thu hẹp khoảng cách số mà còn cung cấp lộ trình khả thi để hướng tới một tương lai nơi công nghệ phục vụ mọi người và đảm bảo "không ai bị bỏ lại phía sau".
P.A.T (tổng hợp)