Nghiên cứu thực trạng nông thôn Tây Nguyên và đề xuất mô hình nông thôn mới theo các vùng địa lý sinh thái nhằm tạo sinh kế, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững
Cập nhật vào: Thứ hai - 09/09/2024 13:09 Cỡ chữ
Tây Nguyên (gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng) được đánh giá là vùng đất có “vị trí địa chiến lược” đặc biệt quan trọng, “vùng địa sinh thái” giàu tài nguyên, và là “vùng địa văn hóa” đa sắc tộc, giàu bản sắc với dân cư nông thôn chiếm khoảng 71,3% dân số (4.179,6 nghìn người năm 2019). Diện tích tự nhiên toàn vùng là 54.470 km2 (chiếm 16,8% diện tích cả nước). Hiện nay, nông nghiệp vẫn là ngành có vị trí chủ đạo trong toàn bộ nền kinh tế Tây Nguyên, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa kinh tế phát triển, giải quyết việc làm. Tiềm năng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên tạo thuận lợi cho Tây Nguyên phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản chất lượng cao với hệ thống cây công nghiệp thế mạnh như: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chè. Tây Nguyên hiện là vùng sản xuất cà phê, hồ tiêu lớn nhất cả nước; vùng cao su và vùng điều lớn thứ hai sau Đông Nam Bộ; vùng chè lớn thứ hai sau Trung du và miền núi phía Bắc. Năng suất một số loại cây trồng chủ lực của Tây Nguyên thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên đất - nước - rừng không hợp lý trong thời gian dài đã gây tác động tiêu cực tới hiệu quả sản xuất nông nghiệp, mất cân bằng sinh thái của vùng, khiến cho nông nghiệp và nông thôn Tây Nguyên đứng trước nguy cơ phát triển kém bền vững.
Mặt khác, nghiên cứu sử dụng lãnh thổ theo hướng tiếp cận địa lý tổng hợp đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia. Trong đó, nghiên cứu điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên theo quan điểm địa lý tổng hợp có ý nghĩa hết sức quan trọng, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp cận địa lý có những ưu thế như: tính tổng hợp và quan hệ tương tác giữa các hợp phần địa lý đòi hỏi khối lượng kiến thức vừa chuyên sâu, vừa mở rộng và liên ngành; kết quả nghiên cứu được biểu hiện cụ thể và rõ nét trên bản đồ giúp nhận biết đặc điểm và tính chất đặc thù phân bố của các đối tượng; khả năng ứng dụng trong thực tiễn sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Như vậy, yêu cầu cấp thiết được đặt ra trong phát triển nông thôn Tây Nguyên cần được làm sáng tỏ bởi lý luận khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên, phát triển kinh tế- xã hội của hướng tiếp cận địa lý tổng hợp.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Thủy cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Địa Lý thực hiện đề tài “Nghiên cứu thực trạng nông thôn Tây Nguyên và đề xuất mô hình nông thôn mới theo các vùng địa lý sinh thái nhằm tạo sinh kế, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững” với mục tiêu:
- Xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn, hướng tiếp cận tổng hợp về nông thôn mới Tây Nguyên
- Làm rõ thực trạng nông thôn Tây Nguyên giai đoạn 2018 - 2020 trên các vùng địa lý sinh thái khác nhau, đối chiếu với tiêu chí nông thôn mới và các chỉ tiêu quy hoạch phát triển KT-XH ứng phó với BĐKH vùng Tây Nguyên đến năm 2030 của Chính phủ
- Đề xuất mô hình nông thôn mới và các giải pháp, định hướng sản xuất nông lâm nghiệp bền vững trong bối cảnh BĐKH, liên kết vùng và hội nhập quốc tế giai đoạn 2020-2030.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
1. Lý luận về hướng tiếp cận địa lý tổng hợp trong xây dựng NTM gắn với phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với BĐKH vùng Tây Nguyên được xây dựng trên luận điểm cơ bản là các dạng tài nguyên thiên nhiên, những vấn đề môi trường liên quan với hoạt động sử dụng, khai thác của cư dân nông thôn có nguồn sinh kế chính là sản xuất NLN, được phân bố có tính quy luật theo các vùng địa lý sinh thái khác nhau. Nghiên cứu sự phân hoá điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, xây dựng bản đồ phân vùng địa lý sinh thái và xác định hướng sử dụng - bảo vệ, quy hoạch sản xuất NLN trong điều kiện BĐKH của các vùng/tiểu vùng là cơ sở khoa học quan trọng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
2. Lãnh thổ Tây Nguyên có sự phân hoá sâu sắc về các điều kiện tự nhiên, tích hợp sự phân hoá của các yếu tố thành phần theo những nguyên tắc và chỉ tiêu chuẩn đoán của các cấp phân vị, đã cho phép xác lập sự phân hoá lãnh thổ Tây Nguyên trên bản đồ tỷ lệ 1:250.000 gồm 3 khu, 21 vùng với 35 tiểu vùng địa lý sinh thái. Qua đó đã làm rõ thực trạng xây dựng xã/huyện NTM trên các vùng/tiểu vùng ĐLST Tây Nguyên với 7 vùng/tiểu vùng có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là các tiểu vùng bình sơn nguyên Đà Lạt (TV16.1, TV16.2), cao nguyên Di Linh (TV19.1, TV19.2), núi thấp Đông Nam Đơn Dương (TV20.1), đồi cao cát tiên (V21) và 1 huyện đạt chuẩn NTM là huyện Đơn Dương thuộc các tiểu vùng TV19.1, 20.1, TV16.2.
3. Kết quả xây dựng NTM ở Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu trên các phương diện, song chưa thực sự thành công do một số tiêu chí quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống cư dân nông thôn chưa đạt theo tiêu chuẩn đặt ra.
4. Kết quả đánh giá hiện trạng đất sản xuất NLN vùng Tây Nguyên năm 2019 so với quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 cho thấy: Diện tích Chè đạt 48,3%; Điều đạt 86,9%; Cao su đạt 86,9%; so với quy hoạch; Lúa, cây hàng năm khác, cà phê, hồ tiêu, cây lâu năm khác đều vượt quy hoạch tương ứng là 0,6%; 45,8%; 37,1%; 90,2%; 49,0%; còn diện tích rừng chỉ đạt 92,8% so với quy hoạch.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20183/2022) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Đ.T.V (NASATI)