Nghề nghiệp nghiên cứu trong bối cảnh COVID-19
Cập nhật vào: Thứ hai - 29/11/2021 11:00 Cỡ chữ
Đại dịch COVID-19 cho thấy tình trạng việc làm của nhiều nhà nghiên cứu trong các viện hàn lâm trở nên bấp bênh. Sự bấp bênh không phải chỉ có trong nghiên cứu hàn lâm, mà còn phổ biến hơn trong nhiều lĩnh vực khác, phụ thuộc vào các chuyên gia có tay nghề cao và nó trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng cho rằng nghiên cứu sẽ thu hút những “bộ óc tốt nhất” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội lâu dài và tăng khả năng phục hồi trước cuộc khủng hoảng.
Điều kiện làm việc của các nhà nghiên cứu hàn lâm đã trở nên tồi tệ trong những năm gần đây. Điều này đặc biệt đúng với số lượng ngày càng nhiều các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ làm việc theo các hợp đồng có thời hạn với triển vọng việc làm hạn chế. Phản hồi của các quốc gia trong cuộc khảo sát chính sách của Diễn đàn Khoa học Toàn cầu OECD về mức độ bấp bênh của nghề nghiên cứu cho thấy, ở Đức, 92% nhà nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục đại học và 83% trong các cơ sở nghiên cứu không thuộc trường đại học làm việc theo hợp đồng có thời hạn; ở Phần Lan là 70%; và ở Bỉ, 58% cán bộ làm việc trong các trường đại học là theo hợp đồng có thời hạn.
Dù phần lớn các nhà nghiên cứu mới vào nghề thể hiện động lực mạnh mẽ và tham vọng về sự nghiệp nghiên cứu lâu dài, nhưng sự bấp bênh có thể gây ra hậu quả tiêu cực lớn đến động lực và hành vi, ảnh hưởng đến bản chất và chất lượng của kết quả khoa học. Các quốc gia cũng rất quan tâm đến việc giữ chân nhân tài quốc gia và thu hút các nhà nghiên cứu giỏi nước ngoài.
Sự bấp bênh và không đảm bảo của sự nghiệp nghiên cứu cũng là trở ngại lớn đối với việc thúc đẩy bình đẳng giới và tính đa dạng xã hội trong lực lượng nghiên cứu. Trên hết, COVID-19 đang khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Các câu trả lời cho Khảo sát nhanh về Khoa học của OECD 2020 cho thấy đại dịch đang có những tác động bất lợi đến an ninh việc làm và cơ hội nghề nghiệp trong khoa học, cũng như kinh phí nghiên cứu và thời gian nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu trẻ và nhà nghiên cứu là nữ dường như dễ bị tổn thương hơn bởi những tác động này, đó cũng là kết quả của một cuộc khảo sát gần đây của tạp chí Nature.
Việc chuyển từ tài trợ cốt lõi cho tổ chức sang tài trợ ngắn hạn theo dự án, cùng với tính chất cạnh tranh mạnh mẽ của tài trợ cốt lõi, đang làm cho các hệ thống nghiên cứu (và giáo dục đại học) phụ thuộc ngày càng nhiều vào đội ngũ cán bộ làm việc theo hợp đồng không thường xuyên. Ở Úc, 56% các nhà nghiên cứu trong các tổ chức giáo dục đại học là nghiên cứu sinh sau đại học. Ở Thụy Sĩ, 64% nhà nghiên cứu là tiến sĩ và sau tiến sĩ. Ở Đức, tỷ lệ nhà nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học là khoảng 75% kể từ năm 2010. Ở Phần Lan, số lượng các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ đã tăng 144% trong thập kỷ qua.
Sự gia tăng số lượng người có bằng tiến sỹ mong muốn được làm việc tại các viện hàn lâm trong khi khả năng tiếp nhận chỉ có hạn, đang làm tăng áp lực cạnh tranh lên mức khốc liệt. Tỷ lệ trung bình những người có bằng tiến sĩ ở độ tuổi 25-64 trong OECD, hiện ở mức khoảng 1% và đang tăng đều đặn. Số người có bằng tiến sỹ tại khu vực này tăng trung bình 25% trong giai đoạn 5 năm từ 2014 đến 2019.
Giáo dục đại học là khu vực việc làm truyền thống mà những người có bằng tiến sĩ ở hầu hết các quốc gia lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều tiến sĩ trẻ sẽ không tìm được một vị trí việc làm ổn định trong nghiên cứu hàn lâm. Khoảng 1/3 tổng số lực lượng lao động của OECD làm các công việc tạm thời hoặc bán thời gian hoặc tự kinh doanh. Quy mô của sự bấp bênh thậm chí còn cao hơn trong lĩnh vực nghiên cứu hàn lâm. Kết quả từ Cuộc khảo sát quốc tế năm 2018 của OECD về các tác giả là nhà khoa học cho thấy, trong khi phần lớn các tác giả ở Hàn Quốc, Pháp, Tây Ban Nha và Nhật Bản được ký hợp đồng vô thời hạn và được bảo vệ ở mức cao, thì ở hầu hết các quốc gia khác lại không như vậy. Ở Vương quốc Anh và Chile, các hợp đồng làm việc, trong đó người lao động ít được bảo vệ, trở nên phổ biến. Ở Thụy Sĩ và Đức, phần lớn các tác giả làm việc theo hợp đồng có thời hạn. Mặc dù những khác biệt này có thể phản ánh phần nào các quy ước khác nhau về quyền tác giả, nhưng rõ ràng là ở nhiều quốc gia, các nhà nghiên cứu hàng đầu tạo ra các sản phẩm khoa học, lại không có vị trí việc làm an toàn.
Độ tuổi trung bình của những người mới làm nghiên cứu tiến sĩ trên toàn OECD là 29 tuổi. Người làm tiến sỹ trong độ tuổi từ 26 đến 37 tuổi chiếm 60%. Như vậy, đa số sẽ lấy bằng tiến sĩ ở tuổi 30. Hầu hết những người chuyển sang giai đoạn nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, đều ở lại học tiếp cho đến tuổi 30 và thậm chí 40, với tư cách là “nghiên cứu sinh sau tiến sỹ”, “trợ lý nghiên cứu và cộng sự”, hoặc thậm chí là “nhà nghiên cứu ẩn danh”. Họ thường dành thời gian dài để theo đuổi nghiên cứu, mặc dù có khi họ chỉ được tuyển dụng làm các vai trò không liên quan đến nghiên cứu (như giảng dạy toàn thời gian) trong khi chờ đợi một vị trí nghiên cứu hàn lâm an toàn hơn. Trên thực tế, trong toàn khối OECD, phần lớn các nhà nghiên cứu (62,5%) cuối cùng đã làm việc trong khu vực doanh nghiệp kinh doanh.
Sự bấp bênh của nghề nghiên cứu là vấn đề đặc biệt đối với phụ nữ. Nhiều người phải vật lộn với áp lực để tìm được một vị trí sau tiến sĩ và bắt tay vào sự nghiệp học tập trong khi vẫn phải chăm sóc con cái hoặc người thân lớn tuổi. Định kiến giới và thành kiến mang tính hệ thống tồn tại trong toàn xã hội và cũng được tích hợp vào các hệ thống giáo dục và nghiên cứu khoa học. Nghĩa là ngay cả khi phụ nữ có được những vị trí an toàn, họ cũng ít có khả năng thăng tiến lên các vị trí lãnh đạo hơn các đồng nghiệp nam.
COVID-19 cũng có tác động tiêu cực không đều đến các nhà nghiên cứu nữ, đặc biệt là những người ở giai đoạn đầu sự nghiệp. Kể từ khi bắt đầu đại dịch, các bài báo khoa học của nhà nghiên cứu nam tăng nhanh hơn của nữ. Phụ nữ có nhiều khả năng bị mất việc làm hơn vì họ làm việc theo hợp đồng có thời hạn. Đại dịch đang đe dọa lợi ích bình đẳng giới trong những năm gần đây, nên cần nỗ lực phối hợp chính sách về giới để cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho các nhà nghiên cứu nữ và giải quyết các thành kiến mang tính hệ thống.
P.A.T (NASATI), theo Science, Technology and Innovation Outlook 2021: Times of Crisis and Opportunity, OECD