Hội thảo “Tác động của các dự án phát triển tới môi trường và cảnh quan các di sản thiên nhiên tại Việt Nam”
Cập nhật vào: Thứ sáu - 20/09/2024 00:03 Cỡ chữ
Chiều 18/9/2024, tại Ninh Bình, Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Tác động của các dự án phát triển tới môi trường và cảnh quan các di sản thiên nhiên tại Việt Nam”.
Quang cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn nhấn mạnh, không chỉ có giá trị về địa lý và lịch sử, di sản thiên nhiên còn là một nguồn tài nguyên vô giá với các giá trị về văn hóa, thẩm mỹ, giáo dục, môi trường, kinh tế, xã hội cùng nhiều giá trị khác có thể được lượng giá và khai thác để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các quốc gia, đồng thời đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. Giá trị của di sản thiên nhiên có ý nghĩa vượt khỏi ranh giới quốc gia và có ý nghĩa chung đối với nhân loại, do đó việc bảo vệ di sản thiên nhiên được duy trì hoặc tăng cường theo thời gian, đồng thời giá trị của di sản thiên nhiên được xem là căn cứ cho việc bảo vệ và quản lý hiệu quả tài sản trong tương lai.
Tại Việt Nam, hệ thống các vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh… là các di sản thiên nhiên. Đặc biệt, có 3 di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận: Vịnh Hạ Long (1994, 2000); vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (2003, 2015); quần thể vịnh Hạ Long- quần đảo Cát Bà (2023). Hiện không ít điểm di sản thiên nhiên đã và đang trở thành những điểm đến thu hút du khách, có tác động tích cực như tăng doanh thu, tạo việc làm, cải thiện thu nhập, quảng bá giá trị di sản…, nhưng cũng gây ra các tác động tiêu cực như xói mòn di sản, quá tải hạ tầng, mất cân bằng sinh thái…
Vì vậy, việc bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên là một trong những trách nhiệm quan trọng, yêu cầu các bên có liên quan cần có nhận thức đúng đắn và hành động kịp thời. Nhằm bảo tồn, phát huy và khai thác bền vững các giá trị di sản thiên nhiên này, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn đã được ban hành và triển khai. Theo đó, việc bảo vệ di sản thiên nhiên là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận công tác bảo vệ môi trường cảnh quan tại khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quần thể danh thắng Tràng An nhằm phát triển bền vững và kết nối di sản; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên vùng hải đảo: Kinh nghiệm từ đảo Phú Quốc (Việt Nam) và đảo Đài Loan (Trung Quốc)...
Chia sẻ về vấn đề bảo tồn, phát huy di sản văn hóa quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) gắn với phát triển du lịch bền vững, PGS.TS Nguyễn Thị Song Hà, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội cho biết, trong thời gian tới, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình được xác định là: “Phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội; trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô và giá trị toàn cầu của di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An làm nền tảng, nguồn lực và động lực phát triển, để trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế”.
Đối với ngành, lĩnh vực, công nghiệp vẫn được xác định là động lực, là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; thực hiện khai thác hiệu quả và bảo vệ giá trị văn hóa lịch sử di sản thiên nhiên văn hóa thế giới Tràng An, từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.
Ninh Bình kiên định thực hiện chính sách phát triển bền vững gắn với du lịch, theo đó mô hình “Đô thị di sản” lấy việc phát huy danh hiệu UNESCO là một trong những thành tố cơ sở quan trọng. Phương châm “Sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản” đã huy động sự tham gia của đông đảo người dân. Điều đó củng cố cơ sở bền vững và lâu dài cho phát triển của tỉnh cũng như nâng tầm thương hiệu Ninh Bình.
Để bảo tồn, phát huy di sản danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch bền vững, tỉnh Ninh Bình đã ban hành các Nghị quyết, chủ trương về bảo tồn, tôn tạo, phát huy các di sản văn hóa; gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch; Tập trung nguồn vốn cho phát triển văn hóa thông qua nguồn ngân sách nhà nước, các dự án, chương trình, nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; Tuyên truyền, quảng bá vị trí, vai trò của di sản với sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch trên nhiều loại hình khác nhau: internet, tờ rơi, biển quảng cáo, phim ảnh, truyền hình, qua các chương trình hợp tác, liên kết, các sự kiện, tổ chức các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế, hội thảo quốc tế “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở kiến trúc truyền thống trong vùng di sản thế giới quần thể danh thắng Tràng An”.
P.A.T (tổng hợp)