Hội thảo khoa học về thực hiện hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Cập nhật vào: Thứ ba - 17/12/2024 12:02 Cỡ chữ
Chiều 16/12/2024, tại TP Đà Nẵng, Tạp chí Cộng sản và Học viện Chính trị Khu vực III phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: “Thực hiện hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Trung - Tây Nguyên”.
Quảng cảnh Hội
Tham dự và chủ trì Hội thảo có PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III. Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 100 nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các Trường Đại học, Học viện, các cơ quan, đơn vị quản lý các tỉnh, thành khu vực miền Trung- Tây Nguyên.
Báo cáo đề dẫn và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết: Miền Trung - Tây Nguyên là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của nước ta. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định mục tiêu đến năm 2030 vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực.
Trong khi đó, với Tây Nguyên, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định tập trung xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh khu vực biên giới được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường.
Ðến nay, nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành; những nhiệm vụ còn lại là các đề án lớn đang được các bộ, địa phương chủ trì phối hợp triển khai theo tiến độ. Trong đó, nhiều nội dung quan trọng đã thực hiện như Quy hoạch vùng Tây Nguyên và Quy hoạch tỉnh trong vùng, thành lập Hội đồng điều phối vùng; đề án tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên hướng chiến lược trọng điểm của Tổ quốc; đề án xây dựng thể chế, cơ chế tổ chức điều phối, liên kết phát triển vùng, tiểu vùng…; đã khởi công và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ một dự án quan trọng quốc gia (tuyến đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) và năm dự án trọng điểm, liên kết vùng; đang hoàn thiện thủ tục đầu tư hai dự án và nghiên cứu phương thức đầu tư các dự án còn lại, góp phần quan trọng vào thực hiện hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản gợi ý một số nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu: Kiên trì lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, nỗ lực phát triển lực lượng sản xuất; bảo đảm quyền và lợi ích chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân; tiếp tục quán triệt sâu sắc và thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Theo PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là những mục tiêu không tách rời nhau, bổ sung cho nhau, mục tiêu này làm cơ sở, điều kiện, tiền đề cho mục tiêu kia. Đó là những mục tiêu lâu dài, những giá trị bền vững, từng bước được hiện thực hóa trong quá trình đổi mới đất nước trên con đường XHCN ở nước ta.
Trong quá trình chuẩn bị, Hội thảo đã nhận được 50 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý. Nội dung các bài tham luận tập trung vào một số chủ đề, như: Quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; một số thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện nay; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả vùng đồng bào dân tộc thiếu số khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện nay; chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát huy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Trung - Tây Nguyên; phát huy nguôn lực văn hóa trong phát triển nhanh và bền vững vùng Tây Nguyên hiện nay.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra cần có cách tiếp cận đa chiều, từ trên xuống, từ dưới lên, có sự tham gia của nhiều bên (cơ quan quản lý nhà nước ở cấp trung ương và địa phương, viện nghiên cứu, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư...) nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, minh bạch của quá trình lập, triển khai và giám sát thực hiện hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Với những định hướng đó, tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề quan trọng như: Một số vấn đề lý luận chung về thực hiện hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đánh giá những kết quả đạt được thực hiện hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trên các lĩnh vực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Trung - Tây Nguyên; đề xuất một số kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hiện hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trên các lĩnh vực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong thời gian tới.
P.A.T (tổng hợp)