Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ sáu - 23/08/2024 00:03 Cỡ chữ
Tại Diễn đàn “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” do Tạp chí Tài chính doanh nghiệp tổ chức vừa qua đã có nhiều ý kiến đáng chú ý của các chuyên gia về thay đổi mô hình tăng trưởng của nước ta.
Diễn đàn “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”
Theo PGS. TS Bùi Quang Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng 6,42% trong nửa đầu năm 2024, với dự đoán tăng trưởng GDP cả năm có thể chạm mốc gần 7%, nhưng mô hình tăng trưởng hiện tại vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao và nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do sự phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu.
Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết này nhằm mục tiêu hình thành cơ cấu hợp lý và hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực và toàn nền kinh tế, đồng thời chuyển biến rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, việc đổi mới mô hình tăng trưởng của nước ta nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững toàn diện kinh tế - xã hội và môi trường. Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây nên những tác động xấu. Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước.
Theo PGS. TS Bùi Quang Tuấn, nền kinh tế Việt Nam dường như vẫn chưa thoát khỏi tăng trưởng theo chiều rộng với việc động lực tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào đóng góp từ vốn và người lao động giá rẻ, trong khi đóng góp của TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) vẫn còn hạn chế. Một “điểm trừ” khác của mô hình tăng trưởng tại Việt Nam được các chuyên gia chỉ ra đó là đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế, thể chế cho khoa học công nghệ và đổi mới còn bất cập, chưa đột phá, doanh nghiệp (DN) tư nhân đầu tư cho R&D vẫn thấp... Các mô hình tăng trưởng xanh, dựa vào kinh tế tuần hoàn chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng bền vững của Quốc gia.
Bàn về giải pháp, theo ông Bùi Quang Tuấn, cần dựa nhiều vào các động lực tăng trưởng mới từ khoa học công nghệ, các mô hình kinh tế bền vững như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Nền kinh tế có thể đột phá nhờ đổi mới sáng tạo, càng sáng tạo và quyết liệt thực thi bao nhiêu thì đổi lại, chất lượng tăng trưởng sẽ cao, nền kinh tế sẽ phát triển nhanh và bền vững bấy nhiêu. Các chính sách sắp tới không những hướng tới nâng cao hiệu quả của vốn và chất lượng lao động mà còn cần đầu tư thay đổi công nghệ để thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Để đổi mới mô hình tăng trưởng, PGS.TS Bùi Quang Tuấn đề xuất một loạt giải pháp như đột phá ở khâu khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng và gắn kết với đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra năng suất lao động cao hơn, đi nhanh, đi thông minh.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu cho rằng, hiện nay có rất nhiều mô hình, dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ thất bại không hề nhỏ, do những nguyên nhân chính: hết tiền/ không huy động được vốn mới (chiếm 38%); không có nhu cầu thị trường (chiếm 35%); vượt quá khả năng của DN (chiếm 20%); sai mô hình kinh doanh (chiếm 19%); các thay đổi về quy định/pháp lý (chiếm 18%); các vấn đề về giá cả/chi phí (chiếm 15%); các vấn đề về team/nhóm (chiếm 14%); sản phẩm được sử dụng sai (chiếm 10%); sản phẩm kém (chiếm 8%). Đánh giá về thực trạng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các DN đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo ông Phạm Anh Cường, tỷ lệ DN mới gia nhập thị trường ở Việt Nam cao hơn hầu hết các quốc gia OECD. Tuy nhiên, những năm gần đây tỷ lệ này có phần chững lại nhưng tỷ lệ DN tồn tại được lại tăng lên. Thiếu vốn là trở ngại với các DN khởi nghiệp giai đoạn đầu, đặc biệt là những DN dựa vào tri thức và bằng sáng chế. Các nhà đầu tư có vai trò quan trọng trong cấp vốn giai đoạn ban đầu khi mô hình DN còn chưa được chuyên nghiệp hóa. Các quỹ và các nhà đầu tư trong nước còn phải đối mặt với nhiều hạn chế, trong đó, khung pháp lý chưa tạo động lực để nhiều quỹ đăng ký, dẫn đến tổng đầu tư còn nhỏ. Vì vậy, các vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo giúp DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ trong việc hoàn thiện ý tưởng, dịch vụ, mô hình kinh doanh và hỗ trợ kết nối đầu tư. Hiện nay, số lượng quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam là 108, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam.
GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, dù đổi mới tăng trưởng theo truyền thống chuyển sang đổi mới khoa học công nghệ, hay đổi mới tăng trưởng dựa vào xu thể mới… đều phải thực hiện việc thay đổi toàn bộ cái cũ. Trước đây Việt Nam dựa vào tài nguyên, lao động, hiện nay phải dựa vào khoa học công nghệ, chuyển sang sạch, xanh.
Tóm lại, diễn đàn đã chỉ ra rằng để thực hiện thành công việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu. Việc đầu tư vào khoa học công nghệ, áp dụng các mô hình kinh tế bền vững và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo sẽ là những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh trong tương lai.
P.A.T (tổng hợp)