Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số cho Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ sáu - 25/10/2024 00:03 Cỡ chữ
Ngày 24/10/2024, tại Hà Nội, Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số cho Việt Nam”. Sự kiện nhằm tìm ra giải pháp nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực số, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ. Hội thảo tập trung đánh giá thực trạng, thách thức và cơ hội, đồng thời thảo luận các chính sách, chiến lược cần thiết để phát triển bền vững lực lượng lao động trong tương lai.
Quang cảnh hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, TS. Giang Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng Học viện Chính sách và Phát triển, nhấn mạnh rằng chuyển đổi số đang tạo ra những yêu cầu cao hơn đối với kỹ năng của người lao động. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực số tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu các khung năng lực chuẩn hóa và kỹ năng cần thiết như ngoại ngữ, tư duy phản biện, và khả năng giải quyết vấn đề. TS. Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết Việt Nam hiện chỉ có khoảng 530.000 lao động số, trong khi nhu cầu vào năm 2025 dự kiến đạt 1 triệu người. Tỷ lệ nhân lực số của Việt Nam mới chỉ đạt 1,1% tổng số lao động, thấp hơn nhiều so với các nước như Hàn Quốc, Mỹ, và Ấn Độ.
Trong phần trình bày của mình, TS. Nguyễn Hữu Xuân Trường, đại diện nhóm nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển, cho biết nhóm đã khảo sát 150 doanh nghiệp lớn và nhận thấy nhu cầu cao về các kỹ năng số trong các lĩnh vực như marketing, phân tích dữ liệu và quản lý hệ thống mạng. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã chú trọng nâng cao năng lực kỹ thuật số cho nhân viên thông qua các khóa học trực tuyến và đào tạo nội bộ, nhưng sự hợp tác giữa các doanh nghiệp với các trường đại học và cao đẳng vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân chính là thiếu khung năng lực chuẩn hóa và kết nối hiệu quả giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
Bà Tân Anh, phụ trách Ban Phát triển nguồn nhân lực của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), cũng chia sẻ về vai trò của NIC trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Theo bà, để xây dựng một hệ sinh thái nhân tài số vững mạnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, Nhà trường và Nhà doanh nghiệp. Chỉ với sự đồng bộ và hợp tác từ nhiều phía, Việt Nam mới có thể đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực số trong tương lai và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất rằng Chính phủ cần xây dựng một chiến lược tổng thể về phát triển nguồn nhân lực số, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện và tăng cường hợp tác quốc tế. Đối với các cơ sở giáo dục, việc nâng cấp trang thiết bị, xây dựng thư viện trực tuyến và hệ thống học liệu số là điều cần thiết để người học dễ dàng tiếp cận kiến thức. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược đào tạo kỹ năng số gắn liền với tầm nhìn phát triển của mình và tạo điều kiện linh hoạt cho nhân viên học tập.
P.A.T (tổng hợp)