Xếp hạng Đại học Thế giới 2024: Trung Quốc tiến gần Top 10, Mỹ và Anh đối mặt với suy giảm vị thế
Cập nhật vào: Thứ hai - 09/10/2023 11:42 Cỡ chữ
Ngày 28/9/2023, Tổ chức xếp hạng Times Higher Education đã công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới 2024 (THE WUR 2024). Các vị trí hàng đầu vẫn thuộc về các trường đại học của Vương quốc Anh và Mỹ. Tuy nhiên, phân tích chi tiết cho thấy vị thế của họ đang suy giảm so với các hệ thống giáo dục đại học khác trên thế giới.
Trên Xếp hạng THE 2024, Việt Nam có 6 trường được xếp hạng trong số 7 trường gửi dữ liệu, thứ hạng cao nhất đạt được nằm trong khoảng 601-800. Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng cùng trong nhóm 601-800; Đại học Quốc gia Hà Nội (nhóm 1.201-1.500); Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Huế cùng trong nhóm 1.501+.
Như vậy, so với kỳ trước, Việt Nam vẫn duy trì 6 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng này. Tuy nhiên, 3 cơ sở bị tụt hạng gồm: Trường Đại học Duy Tân và Trường Đại học Tôn Đức Thắng xếp hạng 401 - 500 (năm 2023); Đại học Quốc gia Hà Nội xếp hạng 1.001 - 1.200 (năm 2023). 3 cơ sở còn lại giữ nguyên xếp hạng.
Năm nay, Tổ chức xếp hạng Times Higher Education đã sử dụng bộ tiêu chí mới (THE WUR 3.0), trong đó gia tăng số lượng tiêu chí đánh giá từ 13 tiêu chí lên 18 tiêu chí ở 5 nhóm tiêu chí: giảng dạy, môi trường nghiên cứu, chất lượng nghiên cứu, chuyển giao và mức độ quốc tế hóa. Kết quả các tiêu chí xếp hạng của THE WUR 2024 được phân tích từ hơn 134 triệu trích dẫn của 16,5 triệu công bố khoa học trên cơ sở dữ liệu Scopus và dữ liệu khảo sát 68.402 học giả trên toàn thế giới. Đây cũng là kỳ xếp hạng có số cơ sở giáo dục đại học tham gia nhiều nhất với 2.673 cơ sở giáo dục đại học từ 127 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ở khu vực châu Á, các cơ sở giáo dục đại học tốp đầu bao gồm: Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại học Quốc gia Singapo, Đại học Tokyo, Đại học Kỹ thuật Nanyang - Singapo…
Theo kết quả của THE WUR 2024, top 5 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới là: Đại học Oxford, Đại học Stanford, Viện Khoa học kỹ thuật Massachusetts, Đại học Havard và Đại học Cambridge. Tuy nhiên, Trung Quốc đang tiến gần hơn đến top 10 và đã lần đầu tiên có hai trường đại học nằm trong top 15. Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc đã vượt qua các trường đại học nổi tiếng như Đại học Pennsylvania, Đại học Johns Hopkins và Đại học Columbia để lần lượt đứng ở vị trí 12 và 14 trong xếp hạng mới nhất. Điều này thể hiện sự bứt phá đáng kể của Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục đại học.
Nghiên cứu dữ liệu trong 6 năm của THE cũng cho thấy thứ hạng trung bình của các trường đại học Mỹ và Anh đã giảm. Trong khi đó, các nước như Trung Quốc, Úc và Canada đã cải thiện vị thế của họ trong xếp hạng. Mỹ hiện đã vượt qua Đức để trở thành quốc gia có thu nhập tổng cộng cao nhất cho mỗi giảng viên. Tuy nhiên, nếu xét về thu nhập từ nghiên cứu trên mỗi giảng viên, Đức vẫn đứng đầu, trong khi Mỹ đang trên đà giảm.
Phân tích chi tiết còn cho thấy, nguồn thu từ nghiên cứu đóng góp vào thu nhập tổng cộng của các trường đại học ở Mỹ và Anh đã giảm. Tỷ lệ này đã giảm từ 18,5% xuống 15,6% ở Mỹ và từ 14,7% xuống 13,4% ở Anh. Ngược lại, nhiều hệ thống giáo dục đại học khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada và Úc đã trải qua sự tăng trưởng trong nguồn thu từ nghiên cứu.
Mỹ và Vương quốc Anh đứng thứ 20 và 25 về tỷ lệ thu nhập từ nghiên cứu trong số 28 quốc gia được phân tích. Thụy Điển, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu trong danh sách này.
Mặc dù có sự sụt giảm nhỏ, Vương quốc Anh là quốc gia duy nhất có mức giảm thu nhập tuyệt đối từ nghiên cứu trên mỗi giảng viên kể từ năm 2019.
Tuy dữ liệu đã được điều chỉnh để tạo ra những so sánh quốc tế có ý nghĩa, nó không tính đến các tài trợ chéo giữa các quỹ. Điều này tạo ra câu hỏi về sự phình to của bộ phận hành chính trong các trường đại học Mỹ và Anh và liệu nó có đang gây tốn kém quá mức không.
Cuối cùng, có nhiều lo ngại về sự cồng kềnh của hành chính trong hệ thống giáo dục đại học của Mỹ và Anh. Các trường đại học ở Mỹ đã chi tiêu rất nhiều vào các cơ sở hạ tầng và quản lý nhiều lớp, trong khi hỗ trợ từ chính phủ cho nghiên cứu đã giảm. Sự gia tăng trong quản lý hành chính và các quy trình cũng làm giảm thời gian dành cho nghiên cứu của giảng viên.
P.A.T (NASATI), theo Times Higher Education, 29/9/2023