Viettel triển khai thành công mạng 5G độc lập - 5G Standalone (SA)
Cập nhật vào: Thứ tư - 28/08/2024 13:07 Cỡ chữ
Mới đây, Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) cho biết họ đã nghiên cứu và triển khai thành công mạng 5G SA đầu tiên tại Việt Nam.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, 5G Standalone (5G SA) nổi lên như một công nghệ quan trọng, mang đến những thay đổi lớn cho hạ tầng viễn thông toàn cầu. Không chỉ đơn thuần là bước nhảy vọt về tốc độ kết nối, 5G SA còn mở ra những cơ hội mới cho các ngành công nghiệp, đồng thời nâng cao trải nghiệm người dùng và hiệu quả vận hành mạng lưới
5G Standalone (SA) là một tiêu chuẩn mạng di động mới, cho phép các thiết bị kết nối trực tiếp với mạng 5G mà không cần sự hỗ trợ của mạng 4G như các mô hình trước đây. Điều này có nghĩa là mạng 5G SA hoàn toàn độc lập và không phụ thuộc vào các công nghệ di động cũ như 4G, 3G hay 2G. Với cấu trúc này, 5G SA được xây dựng trên cả mạng truy cập vô tuyến (RAN) và mạng lõi 5G, tích hợp các công nghệ tiên tiến như ảo hóa, quản lý container và dịch vụ siêu nhỏ. Kết quả là một hạ tầng mạng mạnh mẽ, linh hoạt và sẵn sàng cho các ứng dụng mới như Internet of Things (IoT), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), và công nghệ tự động hóa.
5G SA và 5G Non-Standalone (NSA) là hai kiến trúc mạng khác nhau với những ưu điểm riêng. Trong khi 5G NSA được xây dựng dựa trên hạ tầng 4G hiện có, 5G SA lại là một hệ thống hoàn toàn mới, hoạt động độc lập. Cụ thể, 5G NSA vẫn phụ thuộc vào mạng lõi 4G, chỉ bổ sung thêm mạng truy cập vô tuyến 5G RAN để cải thiện tốc độ và giảm độ trễ. Ngược lại, 5G SA có toàn bộ hạ tầng được xây dựng trên công nghệ 5G, mang lại hiệu suất cao hơn, tính linh hoạt và khả năng mở rộng tốt hơn so với 5G NSA.
Việc Viettel triển khai mạng 5G SA hứa hẹn sẽ cung cấp đa dạng dịch vụ, hấp dẫn cho cả đối tượng khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, bao gồm: nhóm dịch vụ data tốc độ cao, cuộc gọi trên 5G SA thông minh có chức năng tự dịch ngôn ngữ, hiển thị phụ đề; dịch vụ internet không dây 5G (5G FWA-Fixed Wireless Access); dịch vụ mạng di động dùng riêng (5G Private Mobile Network); dịch vụ Quality on Demand cho phép khách hàng được linh hoạt lựa chọn chất lượng dịch vụ khác nhau theo từng thời điểm mong muốn;...
Lợi ích của 5G SA trong thời đại hiện nay
Cơ hội kinh doanh mới: 5G SA không chỉ mang lại sự cải tiến về công nghệ mà còn mở ra những cơ hội kinh doanh mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực yêu cầu tốc độ truyền tải cao và độ trễ thấp. Những ứng dụng như Voice over New Radio (VoNR), chia sẻ mạng, và truyền thông chính xác về thời gian sẽ tạo ra các mô hình kinh doanh sáng tạo, giúp các doanh nghiệp khai thác tối đa tiềm năng của 5G.
Cải thiện trải nghiệm người dùng cuối: Người dùng cuối sẽ được hưởng lợi lớn từ 5G SA nhờ vào khả năng kết nối ngay lập tức và băng thông rộng, cung cấp tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn và độ trễ thấp hơn. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng kết nối mà còn mở rộng phạm vi phủ sóng, đảm bảo trải nghiệm người dùng tốt hơn.
Hiệu quả mạng lưới: Với khả năng kết hợp các dải tần số, 5G SA tăng cường phạm vi phủ sóng và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên mạng. Ví dụ, sự kết hợp giữa các tần số thấp và trung tầng trong 5G có thể tăng khả năng phủ sóng và hỗ trợ dân số lớn hơn, đồng thời cải thiện khả năng chịu tải mạng lên đến 27%.
Đơn giản hóa hạ tầng mạng: 5G SA cũng mang lại sự đơn giản hóa trong quản lý và vận hành mạng lưới, nhờ việc sử dụng toàn bộ hạ tầng 5G từ mạng truy cập radio đến mạng lõi. Các thiết bị như smartphone và tablet cũng được thiết kế để tận dụng tối đa các tính năng tiên tiến của 5G SA, giúp người dùng dễ dàng kết nối và sử dụng dịch vụ.
Ứng dụng thực tế của 5G Standalone (SA)
5G SA không chỉ là một bước tiến về công nghệ mà còn mang lại nhiều ứng dụng thực tế, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau:
Truyền phát video 4K / 8K: Với tốc độ truyền tải nhanh hơn và độ trễ thấp, 5G SA hỗ trợ truyền phát video chất lượng cao, mang đến trải nghiệm xem video mượt mà và sắc nét hơn.
Xe tự hành: Công nghệ 5G SA đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển xe tự hành và hệ thống giao thông thông minh. Các phương tiện tự lái có thể truyền tải dữ liệu về tình trạng đường sá, thời tiết và các yếu tố an toàn khác một cách nhanh chóng, hỗ trợ cho việc ra quyết định hiệu quả hơn.
Y tế thông minh: 5G SA tạo điều kiện cho các ứng dụng y tế thông minh, giúp bác sĩ và nhân viên y tế truy cập và truyền tải dữ liệu y tế trong thời gian thực. Điều này có thể cải thiện khả năng chẩn đoán và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.
Công nghiệp 4.0: Trong bối cảnh công nghiệp 4.0, 5G SA là nền tảng lý tưởng cho các ứng dụng tự động hóa, robot, IoT và các hệ thống máy móc thông minh. Các thiết bị kết nối qua 5G SA sẽ phản ứng nhanh hơn và hoạt động hiệu quả hơn trong môi trường sản xuất.
Thương mại điện tử: Với tốc độ và độ trễ được cải thiện, 5G SA giúp nâng cao trải nghiệm người dùng trong thương mại điện tử, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành này.
Theo số liệu từ Hiệp hội Nhà cung cấp Di động Toàn cầu (GSA), tính đến hết quý I năm 2024, mới có 58 quốc gia đã thử nghiệm thành công 5G SA trên tổng số 175 quốc gia đã thương mại hoặc thử nghiệm 5G. Nguyên nhân chính do sự khó khăn và phức tạp trong việc triển khai mạng 5G SA so với 5G NSA.
P.T.T (tổng hợp)