Vệ tinh quan sát cực đầu tiên của Trung Quốc hỗ trợ nghiên cứu về cực
Cập nhật vào: Thứ sáu - 11/10/2019 04:00 Cỡ chữ
Vệ tinh chuyên quan sát cực Trái đất đầu tiên của Trung Quốc, BNU-1, đã thu được dữ liệu về các vùng cực. Sau gần một tháng thử nghiệm trên quỹ đạo, vệ tinh vẫn hoạt động bình thường và tiến hành quan sát toàn diện về Nam Cực và Bắc Cực mỗi ngày, Cheng Xiao, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết tại Hội nghị chuyên đề Trung Quốc về Khoa học vùng cực 2019 được tổ chức mới đây.
Cheng cho biết hệ thống kết nối dữ liệu vệ tinh được phóng cho phép các nhà khoa học trên thế giới có được dữ liệu quan sát các cực mà vệ tinh thu được. Người dùng đã đăng ký cũng có thể đề xuất các yêu cầu quan sát mới. Vệ tinh liên tục theo dõi một tảng băng khổng lồ tách khỏi thềm băng Amery ở phía đông Nam Cực vào tháng 9, giúp hạn chế tác động của nó đối với phao chìm và tàu thăm dò ở khu vực xung quanh.
Cheng cho biết vệ tinh sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các vệ tinh nước ngoài đối với dữ liệu quan sát cực. "Độ phân giải không gian của vệ tinh đạt tới 75 mét, cung cấp thông tin chi tiết hơn về lớp phủ băng và băng biển", Cheng nói.
Vệ tinh cũng sẽ hỗ trợ đoàn thám hiểm Nam Cực thứ 36 sắp tới của Trung Quốc bằng cách tăng cường khả năng điều hướng trong vùng băng cực.
Được phát triển bởi Đại học Sư phạm Bắc Kinh và Công ty TNHH Phát triển hàng không vũ trụ Thâm Quyến, vệ tinh nặng 16 kg và được trang bị hai camera và một máy thu. Nó có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy nghiên cứu các vùng cực và biến đổi khí hậu toàn cầu.
P.A.T (NASATI), theo Xinhua, 9/10/2019