Túi phân hủy sinh học có “độc hại hơn” túi nhựa thông thường?
Cập nhật vào: Thứ hai - 23/10/2023 00:09 Cỡ chữ
Các nhà khoa học Tây Ban Nha đã đi đến kết luận túi nhựa đựng hàng phân hủy sinh học có thể “độc hại hơn” túi nhựa thông thường sau khi so sánh hai loại túi này trong một thử nghiệm độc tính sử dụng tế bào cá.
Nghiên cứu của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha nêu rõ khi túi nhựa phân hủy sinh học được sử dụng làm phân trộn, chúng sản sinh độc tính cao hơn các loại nhựa tương đương.
GS. Cinta Porte, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi các tế bào tiếp xúc với túi nhựa thông thường không có dấu vết của độc tính. Tuy nhiên, chúng tôi đã phát hiện ra độc tính trong những chất có khả năng phân hủy sinh học, làm giảm khả năng sống sót của tế bào”.
Các tác giả đã nghiên cứu 8 sản phẩm túi nhựa dùng một lần phổ biến, bao gồm 4 túi đựng hàng phân hủy sinh học và 4 sản phẩm túi nhựa thông dụng bao gồm chai nước, túi đựng đồ và túi đựng rác.
Báo cáo nghiên cứu viết: “Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng độc tính bắt nguồn từ các chất phụ gia hóa học được sử dụng để xử lý vật liệu, vì nhựa sinh học nhìn chung khó xử lý hơn nhựa thông thường. Các nhà sản xuất đã bổ sung các chất phụ gia hóa học để làm túi phân hủy sinh học, nên chúng có thể đặc biệt độc hại”.
Các phát hiện nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc nghiên cứu tác động từ các cơ chế phân hủy như quá trình ủ phân đối với độc tính của nhựa có thể phân hủy. Quan trọng là phải nghiên cứu thành phần của các công thức mới phát triển dành cho nhựa phân hủy vì chúng có thể gây hại nhiều hơn so với các công thức thông thường”.
Việc sử dụng rộng rãi nhựa có thể phân hủy và tình trạng phân hủy không hoàn toàn có thể dẫn đến làm tăng phát thải các chất phụ gia nhựa và hạt nhựa ra môi trường, kéo theo những tác động bất lợi đối với môi trường và sức khỏe con người.
Đây chỉ là nghiên cứu sơ bộ và chưa thể lường trước những tác động này đối với sức khỏe con người. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Hazardous Materials.
N.P.D (NASATI), theo https://www.telegraph.co.uk/world-news/2023, 27/9/2023