Tọa đàm giới thiệu công nghệ điện hóa - siêu âm kết hợp vào xử lý nước nuôi tôm
Cập nhật vào: Thứ ba - 11/10/2022 15:32 Cỡ chữ
Sáng ngày 8/10/2022, theo dòng sự kiện Cà phê công nghệ tại Sàn Giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị - Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Trung tâm Giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp và Khoa học Công nghệ Việt Nam, Hội Tự động hóa tổ chức buổi Tọa đàm cà phê công nghệ để giới thiệu đến cộng đồng cùng các doanh nghiệp công nghệ điện hóa - siêu âm kết hợp vào xử lý nước nuôi tôm.
Giải pháp công nghệ y đã được sử dụng tại các hộ nuôi tôm ở Thừa Thiên Huế, ở các vùng nuôi tôm trọng điểm miền Nam, như Gò Công, Tiền Giang, Bạc Liêu
Tham dự buổi Tọa đàm có các đại biểu đến từ các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân quan tâm. Tại buổi tọa đàm kỹ sư Nguyễn Trọng Bảo đến từ công ty Huetronics đã giới thiệu Công nghệ siêu âm điện hóa xử lý nước sạch trong sản xuất, đời sống và nuôi trồng thủy sản ứng dụng trực tiếp cho người nuôi tôm. Hiện nay, diện tích nuôi tôm ở Việt Nam chiếm tới 747 ngàn ha với 3 loại tôm chính: tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm càng xanh. Trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm vai trò chủ lực.
Qua khảo sát thực trạng nuôi tôm hiện nay cho thấy, tôm lúc đầu nuôi tốt nhưng sau 2 đến 3 vụ chết rất nhiều. Một trong các lý do khiến tôm chết là ô nhiễm môi trường, xử lý thải của tôm không tốt. Theo kỹ sư Bảo, đáy ao nuôi là nơi hình thành lớp bùn được tích tụ lâu ngày của phần lớn các chất hữu cơ dư thừa từ thức ăn, phân (ngay sau khi ăn 6 phút tôm có thể thải ngay chất thải) và các rác thải khác, hệ thống nước lẫn lộn đầu vào và đầu ra… Từ đó tạo nên các khí độc như NH3, NO2, H2, H2S, CH4... Các vi sinh vật gây bệnh như: khuẩn Vibrio spp, Aeromonas, Ecoli, Pseudomonas, Proteus, Staphylococcus… Trong khi đó, việc nuôi tôm luôn có mật độ cao, gây dồn nén lượng sinh vật vào diện tích sống nhỏ. Ngoài ra, việc sử dụng tràn lan các hóa chất để khử trùng nước như Chlorine, Iodin, thuốc tím, formaline… có thể dẫn đến những hậu quả làm suy thoái môi trường và gây ra hiện tượng nhờn thuốc của các loại vi khuẩn, vi rút, vi sinh vật gây bệnh.
Trước thực trạng đó, tôm nuôi như hiện nay hóa chất và dư lượng kháng sinh vô cùng nhiều. Giải đáp cho vấn đề này, kỹ sư Bảo đến từ công ty Huetronics đã giới thiệu công nghệ siêu âm điện hóa giúp khắc phục những hạn chế của phương pháp nuôi tôm nêu trên, ao nuôi chỉ cần sau 6 đến 10 tiếng là đã có thể hoạt động trở lại thay vì phương pháp truyền thống thường mất vài ngày đến cả tuần. Ngoài ra, mô hình xử lý cho nước bằng siêu âm điện hóa khác biệt so mô hình cũ, đưa xử lý nước vào khu tập trung và cấp nước vào ao làm tăng lên tới 50% diện tích ao nuôi so mô hình cũ cần 4 đến 5 ao để xử lý nước.
Máy phát siêu âm, máy phát điện hóa hoạt động trên nguyên lý điện hóa siêu âm. Nước vào bồn ở đó sóng siêu âm sẽ làm xé nát, tạo sóng sung kích bọt khí. Điện hóa tạo ra các Holc, Cl-…. xé nhỏ những thành phần, làm oxi hóa khử kết quả diệt khuẩn, tách hữu cơ hòa tan thay vì dùng hóa chất. Nước qua máy sẽ thấy ngay hữu cơ nổi lên còn kim loại nặng chìm xuống, loại bỏ hữu cơ hòa tan, kim loại hòa tan.
Hệ thống thiết bị mà Huetronics cung cấp hiện nay có công suất 60 và 100 m3/h và có thể thiết kế theo từng trang trại; năng lượng tiêu thụ thấp; lắp đặt đơn giản, vận hành dễ; an toàn bền vững. Giải pháp không chỉ tăng chất lượng tôm nuôi mà chi phí xử lý môi trường nước giảm rất lớn, chỉ tiêu tốn khoảng 700 đồng/m3 so với 2.000 đồng/m3 khi sử dụng các hóa chất để xử lý.
Giải pháp Công nghệ siêu âm điện hóa cho nuôi trồng thủy sản của Công ty Cổ phần Huetronics, giải thưởng Vifotec năm 2016 của Bộ Khoa học và Công Nghệ, có tính ứng dụng thực tế cao mang lại giá trị cho người nông dân và tạo ra giá trị xã hội và an toàn thân thiện môi trường.
Phương pháp công nghệ điện hóa - siêu âm kết hợp là nghiên cứu đã mở ra một hướng mới trong việc khử trùng, cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản. Theo kỹ sư Bảo, việc định hướng cho nuôi tôm bằng phương pháp siêu âm điện hóa có 3 nhóm giải pháp: nhóm 1 thiết bị xử lý nước, nhóm 2 xử lý sinh học, nhóm 3 dùng thảo dược thay thế kháng sinh. Tuy nhiên, một số khó khăn hiện nay như: tâm lý bảo thủ của người dân hay dựa trên kinh nghiệm bản thân, vì vậy việc thuyết phục họ chuyển sang giải pháp mới là không hề dễ dàng. Ngoài ra, kỹ sư Bảo cũng giới thiệu phương pháp điện hóa được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống như: làm sạch nước hồ bơi không dùng hóa chất, xử lý nước thải…
Buổi tọa đàm đã trao đổi thảo luận sôi nổi; giới thiệu nhiều phương pháp nuôi tôm bền vững không chỉ có phương pháp điện hóa mà còn có cả phương pháp vi sinh không dùng hóa chất… chia sẻ kinh nghiệm thành công cũng như thất bại trong ngành nuôi tôm và giới thiệu những thị trường tiềm năng để sản xuất và xuất khẩu tôm bền vững.
Nguồn: Trung tâm Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia