Thúc đẩy đổi mới sáng tạo để ứng phó với COVID-19
Cập nhật vào: Thứ tư - 08/12/2021 04:16
Cỡ chữ
Hầu hết các quốc gia cũng đã thực hiện các biện pháp để kích thích đổi mới sáng tạo (ĐMST) nhanh để ứng phó với một loạt các thách thức do COVID-19 đặt ra - từ việc ngăn chặn sự lây lan của virus, đến việc sản xuất các dụng cụ thiết yếu, chống lại thông tin sai lệch và xử lý các tác động của việc phong tỏa. Các phương pháp của quốc gia bao gồm:
Phát động cạnh tranh công khai, chạy đua: cạnh tranh nhằm thúc đẩy tư duy đột phá bằng cách hướng tới các thông tin đầu vào từ tất cả các bộ phận của hệ thống KHCN&ĐMST, bao gồm từ các công ty, nhóm nghiên cứu và các cá nhân nhà sáng chế. Kêu gọi đề xuất nghiên cứu phản ứng nhanh với COVID-19 của Ireland và cạnh tranh chạy đua của Vương quốc Anh về ĐMST dẫn dắt bởi doanh nghiệp nhằm ứng phó với sự gián đoạn toàn cầu và yêu cầu các ứng viên chứng minh sự phù hợp của thách thức liên quan đến COVID-19 mà họ giải quyết với những ĐMST của mình.
Tổ chức hoặc hỗ trợ cuộc thi hackathons ảo: Hackathons thường là các sự kiện kéo dài 24 đến 48 giờ trong đó những người tham gia được cung cấp dữ liệu mà họ phải sử dụng để tạo ra một sản phẩm sáng tạo. Người chiến thắng sẽ nhận được khoản kinh phí để phát triển và mở rộng ý tưởng của họ. Vào cuối tháng 4 năm 2020, hơn 30.000 người tham gia từ khắp Liên minh Châu Âu đã tham gia cuộc thi hackathon EUvsVirus do Ủy ban Châu Âu và Hội đồng Sáng tạo Châu Âu tổ chức để giải quyết khoảng 20 thách thức liên quan đến COVID-19. Có hơn 2.100 giải pháp ở nhiều hạng mục thách thức khác nhau được gửi tới, với những đóng góp nhiều nhất thuộc về lĩnh vực sức khỏe và đời sống (898 giải pháp), duy trì tính liên tục trong kinh doanh (381 giải pháp), làm việc và giáo dục từ xa (270 giải pháp), gắn kết xã hội và chính trị (452 giải pháp), và tài chính kỹ thuật số (75 giải pháp). Những người chiến thắng đã được mời tham dự “Matchathon” (và ngày hội đầu tư Demo Day) vào tháng 5 năm 2020 nhằm giúp các đội chiến thắng kết hợp với các tập đoàn, nhà đầu tư và các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp trên khắp thế giới để đưa các giải pháp sáng tạo của nhóm chiến thắng vào sản xuất. Hoạt động kết nối này đã giúp tạo ra hơn 2.000 quan hệ đối tác mới (Ủy ban Châu Âu, 2020).
Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu: các chính phủ cũng đưa ra các sáng kiến để khuyến khích hợp tác nghiên cứu và ĐMST. Ví dụ, tại Canada, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia phát động chương trình Thách thức Ứng phó Đại dịch nhằm huy động các nhà nghiên cứu của Canada và cả quốc tế từ các trường đại học, doanh nghiệp và chính phủ cùng hợp tác giải quyết các thách thức COVID-19 cụ thể do các chuyên gia y tế Canada xác định.
Hỗ trợ chia sẻ dữ liệu và kiến thức: sáng kiến chia sẻ dữ liệu được đưa ra để chia sẻ dữ liệu dịch tễ học, lâm sàng và gen, cũng như các nghiên cứu liên quan. Các giao thức và tiêu chuẩn sử dụng để thu thập dữ liệu cũng được chia sẻ. Tập dữ liệu nghiên cứu mở COVID-19 (CORD-19), do Viện trí tuệ nhân tạo Allen về phối hợp với chính phủ Hoa Kỳ và một số công ty, tổ chức và nhà xuất bản tạo ra, chứa hơn 200.000 bài viết học thuật có thể đọc được trên máy về COVID- 19 và các virus corona liên quan, và là cơ sở để áp dụng các kỹ thuật học máy nhằm tạo ra những hiểu biết mới cho nghiên cứu COVID-19. Các sáng kiến khác bao gồm kho lưu trữ dữ liệu bộ gen (như Nextstrain và Gisaid), dữ liệu cấu trúc hóa học (ví dụ: tập dữ liệu CAS COVID-19 về các hợp chất ứng viên kháng vi rút), nghiên cứu lâm sàng (ví dụ: ClinicalTrials.org) và dữ liệu để nghiên cứu mô hình (ví dụ: MIDAS).
Đưa ra các quy định linh hoạt khi cần thiết để đảm bảo phản ứng nhanh chóng trong khi duy trì các biện pháp bảo vệ: trong bối cảnh đại dịch, sự linh hoạt trong quy định cũng được đưa ra nếu khả thi. Tại Úc, Cơ quan Quản lý Sản phẩm Trị liệu, thuộc Bộ Y tế, đã ưu tiên đánh giá linh hoạt đối với các đăng ký sản phẩm trị liệu liên quan đến COVID-19. Tại Vương quốc Anh, Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc sức khỏe đã công bố một gói các quy định linh hoạt để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe ứng phó với COVID-19, bao gồm thông qua tư vấn khoa học và các đánh giá nhanh về các ứng dụng thử nghiệm lâm sàng cũng như các cuộc nghiên cứu lâm sàng linh hoạt về thiết bị y tế.
Đưa ra sáng kiến hỗ trợ tiếp cận cơ sở hạ tầng nghiên cứu, chẳng hạn như phòng thí nghiệm, cơ sở dữ liệu và công cụ nhằm giúp các nhà nghiên cứu đẩy nhanh hoạt động nghiên cứu: Ví dụ, Hiệp hội máy tính hiệu năng cao ở Hoa Kỳ cho phép cho các nhà nghiên cứu COVID-19 trên toàn thế giới truy cập vào máy tính hiệu năng cao, trong khi đó Hiệp hội cơ sở hạ tầng nghiên cứu châu Âu về các tác nhân có khả năng gây bệnh cao cho phép các nhà nghiên cứu thực hiện các nghiên cứu về COVID-19 có thể truy cập vào các nghiên cứu trong ống nghiệm và trên cơ thể sống.
Thiết lập các hệ thống khuyến khích quyền sở hữu trí tuệ để giải quyết đại dịch COVID-19: tháng 5 năm 2020, Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Liên bang Hoa Kỳ (USPTO) đã đưa ra chương trình thí điểm kiểm tra ưu tiên COVID-19 để đẩy nhanh quá trình kiểm tra các đăng ký sáng chế liên quan đến COVID-19 do các tổ chức nhỏ đệ trình mà không tính thêm phí. Hiện đang nổ ra một cuộc tranh luận liên quan đến việc tìm kiếm các giải pháp ứng phó COVID-19, đó là làm thế nào để khai thác các biện pháp khuyến khích quyền sở hữu trí tuệ để phát triển các giải pháp mà không hạn chế truy cập vào các giải pháp đó.
P.A.T (NASATI), theo Science, Technology and Innovation Outlook 2021: Times of Crisis and Opportunity, OECD