Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh - Hướng tới mục tiêu Net Zero
Cập nhật vào: Chủ nhật - 27/10/2024 13:09 Cỡ chữ
Ngày 24/10/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh - Hướng tới mục tiêu Net Zero”. Sự kiện quy tụ nhiều chuyên gia và đại biểu tham gia nhằm thảo luận về các giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Quang cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh rằng chuyển đổi năng lượng xanh là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong. Đầu tư và khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời trên mái nhà, điện gió, và năng lượng sinh khối sẽ không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn tăng cường khả năng tự chủ năng lượng, đồng thời tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp trong dài hạn.
PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, khẳng định rằng chuyển dịch năng lượng là xu hướng tất yếu toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”. Với mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050, Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn trong việc loại bỏ dần điện than. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra cơ hội để tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo và công nghệ tiên tiến.
Một trong những thách thức quan trọng mà Việt Nam phải đối mặt là đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra công bằng và toàn diện. Việc loại bỏ điện than sẽ tác động trực tiếp đến công nhân trong ngành khai thác và sản xuất điện. Do đó, cần chú trọng đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động này và tạo ra các công việc mới trong ngành năng lượng tái tạo, đảm bảo sự chuyển đổi diễn ra suôn sẻ và công bằng.
Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió, đồng thời cung cấp các cơ chế khuyến khích phù hợp để thu hút đầu tư. Mục tiêu là giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và bảo vệ môi trường bền vững.
Thạc sĩ Đinh Nam Vinh, đến từ Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng để đạt được mục tiêu Net Zero, cần phải vượt qua các thách thức về nguồn lực và hạ tầng, đặc biệt là trong việc phát triển năng lượng hạt nhân. Ông cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu và phát triển các công nghệ thông minh nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động và đảm bảo khả năng điều phối điện năng hiệu quả.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận về chuyển đổi năng lượng xanh; bối cảnh toàn cầu, cam kết với quốc tế của Việt Nam và thực trạng và giải pháp triển khai năng lượng xanh tại Việt Nam; cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ chuyển đổi năng lượng xanh; đổi mới công nghệ trong phát triển năng lượng xanh; thách thức trong lưu trữ và phân phối năng lượng xanh; ứng dựng khoa học, công nghệ để thu hồi và phát triển năng lượng xanh. Hội thảo kết thúc với những nhận định rằng quá trình chuyển đổi năng lượng xanh là xu hướng tất yếu, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Bằng cách đầu tư vào năng lượng tái tạo và công nghệ thông minh, Việt Nam không chỉ có thể đạt được mục tiêu Net Zero mà còn phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong tương lai.
P.A.T (tổng hợp)