Tác nhân gây đen xơ mít tại một số tỉnh thành phía Nam và đề xuất giải pháp phòng trừ
Cập nhật vào: Thứ ba - 08/10/2024 00:07 Cỡ chữ
Bệnh đen xơ mít khó phát hiện và việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh không dễ dàng bởi mít bị bệnh không có triệu chứng bên ngoài, chỉ khi được bổ ra mới thấy rõ được dấu hiệu của bệnh. Người dân đã phòng ngừa bệnh đen xơ mít bằng các sử dụng ngẫu nhiên một số loại thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường để ngăn ngừa bệnh lây lan nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả. Để có thể đưa ra các giải pháp và khuyến nghị phù hợp đối với bệnh đen xơ mít, đồng thời giúp người dân trong việc canh tác đạt năng suất và chất lượng cao, nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đã xác định tác nhân gây đen xơ mít tại một số tỉnh thành phía Nam và đề xuất giải pháp phòng trừ với mục tiêu đánh giá thực trạng, tác nhân gây đen xơ mít Thái tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tiền Giang và đề xuất một số giải pháp phòng trừ.
Kết quả điều tra tại ba tỉnh cho thấy hiện trạng tại TP. Hồ Chí Minh, bệnh đen xơ mít chủ yếu xuất hiện vào mùa mưa, với 62,5% vườn mít bị bệnh từ 10-40% và 34,4% bị dưới 10%. Ở Đồng Nai, bệnh không xuất hiện vào mùa khô, nhưng 56,5% vườn mít bị bệnh từ 10-40% vào mùa mưa. Tại Tiền Giang, bệnh xuất hiện ở cả hai mùa, với 52-67% vườn mít bị bệnh từ 10-40%.
Theo thực tế điều tra diễn biến bệnh, trong mùa khô tại TP. Hồ Chí Minh, bệnh xuất hiện sớm và tập trung từ giai đoạn đậu trái đến 50 ngày sau đậu trái (NSĐT), cao nhất ở giai đoạn 10-30 NSĐT, và không xuất hiện ở giai đoạn 60-90 NSĐT. Vào mùa mưa, bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn với tỷ lệ cao hơn, đặc biệt ở giai đoạn 20-50 NSĐT (33,33%-55,56%) và vẫn xuất hiện ở giai đoạn thu hoạch 100 NSĐT với tỷ lệ 22,22%.
Như vậy, đa phần bệnh đen xơ mít xuất hiện vào mùa mưa với tỷ lệ cao hơn gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển của mít, gây khó khăn trong quá trình canh tác và trồng trọt của người dân. Từ hiện trạng trên, nhóm nghiên cứu tiến hành tìm hiểu và đưa ra các giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng đen xơ mít giúp ích cho người dân trong quá trình canh tác và đạt hiệu quả cao.
Nghiên cứu đã bước đầu xây dựng được bản đồ về phân bố tỷ lệ đen xơ mít vào mùa mưa tại ba tỉnh TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Tiền Giang. Bệnh đen xơ gây hại đặc biệt trên giống mít Thái khá sớm, đặc biệt xuất hiện nhiều vào mùa mưa thời điểm 20-30 NSĐT, có thể nhận diện qua hình dạng trái, mầu gai và cuống. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Pantoea stewartii subsp. stewartii. Vi khuẩn có thể xâm nhiễm ở tất cả các giai đoạn hình thành và phát triển trái. Ngoài giống mít Thái siêu sớm vi khuẩn Pantoea stewartii subsp. stewartii chủng HCM09 cũng thể hiện khả năng gây bệnh trên múi mít giống mít Tố Nữ, mít Lá Bàng và mít Nghệ trong điều kiện phòng thí nghiệm và một số loại cây trồng khác trong điều kiện nhà lưới.
Nghiên cứu đã xây dựng thành công 03 mô hình thử nghiệm biện pháp quản lý bệnh đen xơ trên cây mít thái tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Tiền Giang với hiệu quả kiểm soát bệnh đạt trên 100% tại thời điểm thu hoạch mít.
Sau khi tiến hành nghiên cứu và tìm hiểu, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số các giải pháp phòng trừ bước đầu bao gồm các bước:
(1) Sử dụng phân bón Canxi-Bo vào giai đoạn làm bông, trước đậu trái và sau đậu trái.
(2) Sử dụng các hoạt chất tăng kích kháng cho cây giai đoạn làm bông và nuôi trái.
(3) Tỉa và tuyển trái, loại bỏ các trái có các biểu hiện bên ngoài nghi ngờ nghiêm bệnh (cuống, gai, mầu và hình dạng trái).
(4) Phun xịt các thuốc BVTV chứa các hoạt chất Oxolinic acid (1,88 g/L và 3,75 g/L), Bronopol (0,69 g/L và 1,38 g/L), Oxytetracycline hydrochloride + Streptomycin sulfate (0,25 g/L và 0,50 g/L), Kasugamycin 20g/L vào giai đoạn 10-30 ngày sau đậu trái và 1-2 lần trong giai đoạn nuôi trái.
Các giải pháp mà nhóm nghiên cứu đưa ra sẽ giúp người dân hạn chế và ngăn chặn được mít bị đen xơ ngay từ khi mít còn nhỏ, tăng khả năng sinh trưởng, cho ra được giống mít chất lượng. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm ra giải pháp mới cho ngành nông nghiệp trong tương lai.
N.P.D (tổng hợp)