Sử dụng máy bay không người lái để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu
Cập nhật vào: Thứ tư - 16/01/2019 04:27 Cỡ chữ
Một nhóm các nhà khoa học tại trường Đại học Nottingham đang sử dụng máy bay không người lái để khảo sát các cây dây leo thân gỗ và tìm hiểu rõ hơn về cách chúng có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng cacbon của các cánh rừng mưa nhiệt đới. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Applied Ecology.
Rừng nhiệt đới đóng vai trò quan trọng đối với chu trình cacbon toàn cầu. Rừng nhiệt đới lưu trữ hơn 30% cacbon trên mặt đất và chiếm 40% bể cacbon toàn cầu. Con người phụ thuộc vào cây rừng nhiệt đới để hấp thụ một phần CO2 mà chúng ta đang thải ra, vì vậy, không phải tất cả lượng khí thải đó đều bay vào khí quyển.
Nghiên cứu trước đây đã tìm thấy bằng chứng cho thấy cây leo thân gỗ - được gọi là cây dây leo - đã tăng cả về số lượng trong những thập kỷ gần đây và đang làm giảm đáng kể khả năng hấp thụ và lưu trữ cacbon của các khu rừng nhiệt đới. Bằng cách sử dụng cây làm giàn khung, cây dây leo leo lên tán cây để che bóng cho cây, hạn chế sự phát triển của cây và thậm chí là tiêu diệt cây do cây dây leo quấn vào tán. Kết quả là giải phóng cacbon được lưu trữ trong rừng nhiệt đới vào khí quyển và tác động lớn và rộng khắp đến nóng lên toàn cầu.
Lo ngại cũng gia tăng vì biến đổi khí hậu đang giúp thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của cây dây leo và nạn phá rừng đang để lại không gian trong các khu rừng cho cây dây leo phát triển mạnh. Để hiểu rõ những vấn đề tiềm ẩn do cây dây leo gây ra, các chuyên gia cần phải xem xét tốc độc phát triển của chúng và số lượng tán cây rừng đã bị cây dây leo che phủ.
Sự tàn phá của cây dây leo với cây rừng trước đây được đo lường từ trên mặt đất, có thể mất nhiều công sức, thời gian và khó thực hiện, đặc biệt đối với cây dây leo ở các tầng tán trên. Giờ đây, nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Nottingham đã đi tiên phong về kỹ thuật mới giúp việc nghiên cứu cây dây leo tốn kém ít chi phí và hiệu quả hơn, cũng như chính xác hơn cho cây ở các tầng tán trên.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng máy bay không người lái hạng nhẹ (máy bay không người lái) để chụp những hình ảnh của cây từ trên không cho phép quan sát chính xác phạm vi tàn phá của cây dây leo từ phía trên tán cây.
Catherine Waite, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: "Một số nghiên cứu chỉ ra rằng sự phát triển của cây dây leo là do nóng lên toàn cầu và hiện tượng này dường như sẽ gia tăng trong tương lai. Sự phát triển gần đây của cây dây leo cùng với tác động lớn của chúng đến sự cân bằng cacbon và chu kỳ của rừng nhiệt đới, có nghĩa là quan trọng hơn bao giờ hết là nghiên cứu nơi chúng đang tàn phá cây một cách toàn diện và thường xuyên hơn so với các phương pháp hiện nay".
Trước đây, các chuyên gia đã nghiên cứu cây dây leo từ mặt đất, nhưng điều đó gặp nhiều khó khăn vì tán cây có thể cao hơn 70 mét, nêm khó quan sát. Mọi người đôi khi sử dụng dữ liệu được thu thập từ máy bay có người lái, nhưng dữ liệu mất nhiều chi phí để thu thập vì máy bay bay cao hơn, nên việc phân biệt cây dây leo không được chính xác.
"Với một máy bay không người lái, việc đánh giá sự tàn phá của cây dây leo sẽ dễ dàng hơn nhiều, đặc biệt là những cây cao hơn. Những hình ảnh có chất lượng tốt và bạn có thể quan sát chính xác số lượng cây dây leo trong tán cây", Catherine nói. "Phương pháp này cũng cho kết quả nhanh hơn nhiều, vì máy bay không người lái có thể bao quát một khu vực rộng lớn hơn trong thời gian ngắn và hiệu quả chi phí hơn vì bạn cần ít người để thực hiện khảo sát".
Dữ liệu hiện sẽ được sử dụng để lập bản đồ cây dây leo và xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến lý do chúng đang sinh trưởng ở đó. Catherine nói thêm: "Để cứu các khu rừng nhiệt đới, chúng tôi phải xem xét lý do tại sao cây dây leo phát triển quá nhanh và các yếu tố con người đang ảnh hưởng ra sao. Dữ liệu thu thập được từ hình ảnh do máy bay không người lái cung cấp, chính xác như dữ liệu mặt đất. Phương pháp này cũng vượt trội trong việc đánh giá sự tàn phá của cây dây leo đối với các tầng tán trên nhanh và với chi phí ít tốn kém. Có nghĩa là chúng ta có thể tiến tới nghiên cứu cây dây leo và sinh thái rừng nhiệt đới”.
N.P.D (NASATI), theo https://www.sciencedaily.com/releases/2019/01/190109102412.htm, 9/1/2019