Nhật Bản tham gia nỗ lực do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm điều chỉnh việc sử dụng AI trong quân đội
Cập nhật vào: Thứ tư - 07/02/2024 00:02 Cỡ chữ
Với việc trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng ngày càng nhiều trong các hệ thống phòng thủ, Nhật Bản và 44 quốc gia khác đã tán thành một sáng kiến do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm thiết lập các rào cản xung quanh việc sử dụng công nghệ tiên tiến này của quân đội.
Trong bối cảnh lo ngại rằng việc sử dụng AI không được kiểm soát có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được, Bộ Ngoại giao Nhật bản cho biết họ chia sẻ mục tiêu của Washington là “giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn và sự không chắc chắn do việc đưa AI vào lĩnh vực quân sự”. Tokyo hoan nghênh những nỗ lực tăng cường việc tuân thủ các ứng dụng AI quân sự với luật nhân đạo quốc tế. Nhiều quốc gia khác ủng hộ những nỗ lực này, bao gồm tuyên bố chính trị không ràng buộc, là các đồng minh hoặc đối tác của Hoa Kỳ như Đức, Pháp, Anh, Canada, Singapo và Hàn Quốc.
Nhưng sự thúc đẩy quốc tế về quy định AI sẽ có tác động hạn chế trừ khi nó bao gồm cả Trung Quốc, quốc gia dường như quyết tâm trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về các công nghệ có khả năng cách mạng hóa chiến tranh. Theo dữ liệu của Viện Chính sách Chiến lược Úc công bố vào tháng 9/2023, Bắc Kinh đã vượt qua các nền dân chủ phương Tây về công bố quốc tế đối với 53 trên 64 lĩnh vực công nghệ được coi là tối quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và sức mạnh quân sự trong những thập kỷ tới. Điều này bao gồm nghiên cứu trong các lĩnh vực quân sự, nơi AI và quyền tự chủ sẽ rất quan trọng như đàn máy bay không người lái, robot cộng tác, phân tích dữ liệu nâng cao và học máy.
Mặc dù các nhà lãnh đạo sẽ có một danh sách dài các vấn đề cần thảo luận trong lĩnh vực AI quân sự, nhưng các cuộc đàm phán dự kiến sẽ giúp mở đường cho việc tăng cường liên lạc quân sự giữa các siêu cường đối địch. Theo South China Morning Post, Trung Quốc và Hoa Kỳ sẵn sàng cam kết cấm sử dụng AI trong vũ khí tự động, chẳng hạn như máy bay không người lái, cũng như trong việc kiểm soát và triển khai đầu đạn hạt nhân trong bối cảnh nỗ lực bảo đảm rằng việc sử dụng AI tuân thủ luật pháp quốc tế. Một yếu tố quan trọng trong tuyên bố chính trị của Washington, trong đó đưa ra một số biện pháp hướng dẫn “phát triển, triển khai và sử dụng có trách nhiệm” các ứng dụng quân sự AI, bao gồm cả những ứng dụng hỗ trợ các chức năng và hệ thống tự động. Theo đó, việc sử dụng năng lực AI của quân đội cần phải có trách nhiệm và nằm trong “chuỗi chỉ huy và kiểm soát có trách nhiệm của con người”.
Ngoài ra, Hoa Kỳ kêu gọi các quốc gia thực hiện các bước thích hợp, chẳng hạn như đánh giá pháp lý, để bảo đảm rằng khả năng AI quân sự của họ tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật nhân đạo. Các quốc gia cũng nên bảo đảm rằng các phương pháp phát triển được sử dụng cho các công nghệ này là minh bạch và có thể kiểm tra được, đồng thời các khả năng này có mục đích sử dụng được xác định rõ ràng và phải được kiểm tra nghiêm ngặt trong toàn bộ vòng đời của chúng. Một biện pháp quan trọng khác là thực hiện các biện pháp bảo vệ để giảm thiểu những thành kiến ngoài ý muốn và giảm nguy cơ sai sót. Cái sau bao gồm khả năng của hệ thống trong việc phát hiện và tránh những hậu quả không lường trước được bằng cách ngắt kết nối hoặc hủy kích hoạt chính nó khi có sự cố.
Hoa Kỳ đang thiết lập một loạt các biện pháp về hành vi có trách nhiệm, cũng như một cơ chế để các quốc gia thảo luận và giải quyết những thách thức mà quân đội phải đối mặt khi áp dụng hệ thống AI. Các lãnh đạo Hoa Kỳ thừa nhận, rất khó dự đoán công nghệ AI sẽ phát triển như thế nào hoặc chúng có thể có khả năng gì trong tương lai. Tuy nhiên, Hoa Kỳ muốn có những bước mà các quốc gia có thể thực hiện để đưa ra các chính sách cần thiết và xây dựng năng lực kỹ thuật nhằm cho phép phát triển và sử dụng AI có trách nhiệm, bất kể tiến bộ công nghệ, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế “dẫn đầu trong việc thiết lập các chuẩn mực và thực hành tốt” về AI.
P.A.T (NASATI), theo https://www.japantimes.co.jp/news, 2/2024