Nghiên cứu xác định các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả định giá công nghệ dựa trên mô hình phân tích thứ bậc
Cập nhật vào: Thứ năm - 16/01/2020 05:06 Cỡ chữ
Định giá công nghệ được coi như là một yếu tố quan trọng trong quá trình thương mại hóa và chuyển giao công nghệ. Theo Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, tổ chức chủ trì và các tổ chức khác được chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các tài sản trí tuệ được tạo ra từ các kết quả nghiên cứu đó đều phải đƣợc định giá, từ đó làm căn cứ đưa ra giá trong sử dụng, chuyển giao, chuyển nhượng, góp vốn... Đây được coi là bước đột phát về cơ sở pháp lý để các tài sản trí tuệ, công nghệ được thương mại hóa, thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ phát triển. Tuy nhiên, điều này cũng là một thách thức cũng như cơ hội trong hoạt động định giá. Vì vậy quá trình thực hiện phải tiếp tục nghiên cứu lựa chọn các phương pháp phù hợp với xu thế phát triển và tại mỗi thời điểm trong những điều kiện nhất định.
Tại Việt Nam hiện nay, hoạt động định giá công nghệ đang tiến hành theo những quy định của Luật giá và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng một số phương pháp định giá công nghệ phù hợp với Việt Nam” do Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ chủ trì phối hợp với ThS. Đỗ Sơn Tùng thực hiện.
Khi áp dụng các phương pháp định giá vào thực tế trong quá trình định giá công nghệ thì đối với mỗi một phương pháp định giá có rất nhiều những giả thiết được đặt ra và các yếu tố bất định trong tính toán dẫn đến kết quả định giá bị phụ thuộc vào các yếu tố này. Ví dụ: Trong phương pháp chi phí quá khứ có những thông tin dữ liệu về chi phí trong quá khứ không còn hoặc thiếu số liệu vì vậy khi tính toán phải giả thiết những thông tin này dẫn đến kết quả định giá bị ảnh hưởng, chính vì thế, để có thể đưa ra kết quả định giá công nghệ về gần giá trị thực thì cần phải nghiên cứu và chỉ ra các nhân tố và mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến kết quả định giá đối với từng phương pháp. Hiện nay, ở nước ta cũng chưa có một nghiên cứu đầy đủ về vấn đề này.
Vì vậy, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ xin đề xuất nhiệm vụ: “Nghiên cứu xác định các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả định giá công nghệ dựa trên mô hình phân tích thứ bậc” với mong muốn sử dụng mô hình phân tích thứ bậc (AHP) là một trong những mô hình quyết định đa mục tiêu được đề xuất bởi Saaty (1980), dựa trên so sánh cặp, mô hình AHP có thể được mô tả với 3 nguyên tắc chính: phân tích, đánh giá và tổng hợp. Đây là một phương pháp tính toán trọng số áp dụng cho các bài toán ra quyết định đa tiêu chuẩn thông qua việc xây dựng các ma trận so sánh các cặp tiêu chí, đánh giá mức độ quan trọng của từng tiêu chí và sau đó kiểm tra tính nhất quán để có thể đánh giá lại tính hợp lý, tính quan trọng của các tiêu chí. Vậy sau khi sử dụng mô hình phân tích thứ bậc nhóm nghiên cứu sẽ xác định được mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến kết quả định giá công nghệ.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
1. Đã nghiên cứu và chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả định giá công nghệ đối với một số phương pháp tiếp cận định giá hiện nay như: phương pháp tiếp cận từ thu nhập (các nhân tố ảnh hƣởng đến việc ước tính thời gian kinh tế của công nghệ, dòng tiền, tỷ lệ chiết khấu, mức độ đóng góp công nghệ) phương pháp tiếp cận từ chi phí (chi phí nghiên cứu R&D, chi phí tham khảo, chi phí chuyển giao) phương pháp tiếp cận từ thị trường (nguồn cung, cầu công nghệ…)
2. Ứng dụng mô hình phân tích thứ bậc để xác định mức độ quan trọng của các nhân tố đến kết quả định giá công nghệ nhân tố bậc 1: Nhân tố khả năng cạnh tranh công nghệ có mức độ quan trọng lớn nhất (36%), nhân tố thị trường (29%) nhân tố công nghệ (21%) và cuối cùng là nhân tố chi phí (14%) và mức độ quan trọng của các nhân tố bậc 2.
3. Nhóm nghiên cứu cũng đã áp dụng các nhân tố và trọng số của các nhân tố bậc 2 vào quá trình định giá thí điểm 03 công nghệ theo phương pháp tiếp cận từ thu nhập, tiếp cận từ chi phí và được chuyên gia đánh giá là có thể áp dụng vào định giá thực tiễn ở Việt Nam.
4. Thông qua việc nghiên cứu mô hình phân tích thứ bậc (AHP) và điều kiện thực tế ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất một số giải pháp về nguồn nhân lực, nguồn thông tin, nguồn cơ sở dữ liệu để mô hình có thể áp dụng trong điều kiện Việt Nam.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15286/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)