Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo lắp đặt thiết bị thử nghiệm độ mỏi góc của vành hợp kim nhẹ ô tô
Cập nhật vào: Thứ hai - 13/05/2019 21:57 Cỡ chữ
Vành cùng với lốp là một trong các chi tiết đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người lái phương tiện có thể chuyển động trên đường giao thông trong mọi trường hợp và đảm bảo an toàn cho người đi trên xe khi có vấn đề xảy ra trên đường: gặp vật cứng, ổ gà, hay tải trọng lớn. Cho tới nay, quy chuẩn QCVN78:2014/BGTVT đã được ban hành nhằmthống nhất các liên quan đến phê duyệt vành bánh xe cho xe chở khách và moóc kéo theo. Ở các nước có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu thì vành ô tô là đối tượng bắt buộc phải kiểm tra, thử nghiệm trước khi được lắp lên phương tiện bán ra thị trường. Trong khối các nước ASEAN và Việt Nam, vành ô tô là đối tượng kiểm tra chất lượng theo lộ trình.
Hiện nay, thiết bị thử độ mỏi góc vành hợp kim nhẹ ô tô đã được sản xuất và bán tại các nước có nền công nghiệp phát triển, tuy nhiên giá thành rất cao trong khi ở Việt Nam chưa có một đơn vị nào chế tạo được. Nhằm tiết kiệm kinh phí khi nhập khẩu thiết bị nhưng vẫn đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và Việt Nam, việc nghiên cứu chế tạo thiết bị thử độ mỏi góc của vành hợp kim nhẹ ô tô là rất cần thiết. Năm 2015, nhóm nghiên cứu do ThS. Đinh Quang Vũ, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã được Bộ Giao thông vận tải cho phép thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo lắp đặt thiết bị thử độ mỏi góc của vành hợp kim nhẹ ô tô”.
Nghiên cứu, thiết kế chế tạo thiết bị thử độ mỏi góc của vành hợp kim nhẹ ô tô là một nhiệm vụ rất khó khăn nhưng cần thiết để phục vụ công tác đăng kiểm xe cơ giới. Sau 19 tháng nghiên cứu nghiêm túc, bám sát các yêu cầu trong thuyết minh đề cương, chủ nhiệm đề tài cùng nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đề tài khoa học cấp Bộ. Các nội dung đề tài đã đạt được như sau:
1. Nghiên cứu một cách tổng quát về thiết bị thử độ mỏi góc của vành hợp kim nhẹ ô tô;
2. Tìm hiểu một cách hệ thống các tiêu chuẩn, tài liệu quốc tế và Việt Nam về thiết bị thử độ mỏi góc của vành hợp kim nhẹ ô tô và ứng dụng của nó;
3. Nghiên cứu lựa chọn phương án, thiết kế, chế tạo và lắp đặt hoàn chỉnh 01 thiết bị phù hợp yêu cầu của thuyết minh đề cương và đáp ứng được quy chuẩn thử nghiệm QCVN 78:2014/BGTVT.
4. Ứng dụng thiết bị chế tạo để thử nghiệm trên 05 mẫu vành khác nhau.
5. Thiết bị đã được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng hiệu chuẩn và cấp Giấy chứng nhận hiệu chuẩn số FC.26.16 ngày 11/10/2016.
Bằng các nghiên cứu lý thuyết và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, thiết bị có ứng dụng công nghệ tự động hóa sử dụng linh kiện điện tử hiện đại của Nhật Bản, Hàn Quốc có thể khẳng định những kết quả đo có độ tin cậy. Về ý nghĩa thực tiễn, thiết bị có thể sử dụng phục vụ công tác thử nghiệm linh kiện xe cơ giới. Ngoài ra, thiết bị còn phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển sản phẩm vành ô tô của các doanh nghiệp và quá trình kiểm tra thử nghiệm xe cơ giới phục vụ công tác quản lý chất lượng phương tiện. Hướng nghiên cứu tiếp tục của đề tài sẽ là nghiên cứu gá kẹp vành tự định tâm.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14749/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)
chi tiết, vai trò, quan trọng, phương tiện, có thể, chuyển động, giao thông, trường hợp, đảm bảo, an toàn, vấn đề, ổ gà