Nghiên cứu thành công robot ngầm tự hành cứu hộ và quan trắc môi trường
Cập nhật vào: Thứ tư - 07/08/2019 12:35 Cỡ chữ
Nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu thử nghiệm thành công và làm chủ công nghệ robot ngầm tự hành phục vụ quan trắc môi trường, khảo sát sông hồ, cứu hộ cứu nạn,... Đây là một trong những giải pháp đạt độ chính xác cao và linh động trong việc điều khiển.
Robot không người lái vận hành trên mặt nước (USV)
TS. Tôn Thiện Phương, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam đang trở nên ngày càng nghiêm trọng. Các công nghệ quan trắc môi trường nước hiện nay dù trực tiếp hay gián tiếp vẫn có sự tham gia của con người trong hầu hết mọi hoạt động khảo sát, dẫn đến tốn công sức và thời gian. Ngoài ra, các phương pháp này chưa phản ánh chính xác mức độ chất lượng nước ứng với từng vị trí, khu vực muốn khảo sát do hành trình đo được điều khiển bởi thuyền có người lái khó đạt đến vị trí cần khảo sát (như ở những khu vực nước nông, kênh rạch nhỏ, hẹp), số điểm khảo sát ít,…
Đối với công tác cứu hộ, cứu nạn, tai nạn đắm tàu hay khảo sát địa hình, bảo trì các công trình, đường ống dẫn dầu ở Việt Nam, đánh giá các công trình thủy lợi, đa phần vẫn do đội ngũ thợ lặn thực hiện. Điều này gây ra nhiều hạn chế cũng như mang rủi ro nhất định tới tính mạng con người. “Với sự phát triển khoa học công nghệ, các robot ngầm tự hành có thể thay thế con người làm việc trong môi trường nguy hiểm và giảm chi phí. Đồng thời, robot có khả năng khảo sát ở khu vực rộng lớn, con người khó hoặc không khảo sát được, thu thập được nhiều thông tin hơn so với phương pháp truyền thống” - TS. Phương nhấn mạnh.
Theo TS. Trần Ngọc Huy, thành viên nhóm nghiên cứu, các nghiên cứu trong lĩnh vực tàu ngầm, trên mặt nước, tự động, bán tự động phục vụ cho quan trắc môi trường, cứu hộ cứu nạn,… trên thế giới đã nghiên cứu, ứng dụng phổ biến từ lâu. Tuy nhiên tại Việt Nam, những nghiên cứu trong lĩnh vực này chưa nhiều.
Robot ngầm tự hành (AUV)
Sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã cho ra đời các phiên bản robot tự hành trên mặt nước, robot ngầm dưới nước với những phiên bản khác nhau. Cụ thể, robot không người lái vận hành trên mặt nước (USV) có tốc độ di chuyển khoảng 2,06m/s; Robot ngầm điều khiển từ xa (ROV); Robot ngầm tự hành (AUV) với độ sâu di chuyển 100m, tốc độ 2,57m/s. Các robot tự hành này có khả năng ứng dụng trong lĩnh vực nghiên cứu và giám sát môi trường, vẽ bản đồ, tuần tra, trinh sát; An toàn đập, công trình thủy lợi; Bảo trì, nâng cấp, hiện đại hóa công trình thủy lợi; Khảo sát dưới nước; Cứu hộ cứu nạn; Rà phá bom mình, an ninh quốc phòng;...
“Hiện nay nhóm nghiên cứu mới thử nghiệm trong hồ nước nhỏ vì kinh phí hạn hẹp từ chương trình nghiên cứu khoa học. Với các loại robot trên, chúng tôi đã có công nghệ lõi để hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thương mại theo yêu cầu” - TS. Huy chia sẻ.
Theo Báo Khoa học và Phát triển
nhà khoa học, đại học, bách khoa, chí minh, nghiên cứu, thành công, làm chủ, công nghệ, tự hành, phục vụ, môi trường, khảo sát, giải pháp, linh động