Nghiên cứu sản xuất vải từ nguyên liệu có chứa chitosan
Cập nhật vào: Thứ hai - 04/05/2020 04:15 Cỡ chữ
Nhu cầu về trang phục được xử lý kháng khuẩn đang tăng nhanh khi người tiêu dùng càng ý thức hơn về vấn đề vệ sinh và hiểu biết về những ảnh hưởng tiềm tàng nguy hiểm của các vi sinh vật gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người. Với những đặc tính đặc biệt như khả năng phân huỷ sinh học, không độc hại, đặc tính cation và khả năng kháng khuẩn, chitosan đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm để ứng dụng trong ngành dệt may. Các nghiên cứu ứng dụng chitosan trong dệt may bao gồm một dãy rộng các lĩnh vực: kéo sợi chitosan, ứng dụng chitosan trong xử lý trước, trong nhuộm, làm chất hồ in; trong hoàn tất vật liệu dệt cũng như trong lĩnh vực xử lý nước thải nhuộm. Hiện tại, các sản phẩm dệt may từ xơ, sợi có chứa Chitosan mới chỉ được nghiên cứu và sản xuất tại nước ngoài.
Còn tại Việt Nam, việc nghiên cứu và ứng dụng chitosan trong công nghệ xử lý kháng khuẩn cho vải đã có một số nghiên cứu nhưng hầu hết các kết quả nghiên cứu đã công bố là các kết quả được thực hiện với qui mô trong phòng thí nghiệm và sử dụng phương pháp hoàn tất ngấm ép chitosan lên vải. Một kết quả nghiên cứu đã ứng dụng với quy mô công nghiệp nhưng cho độ bền kháng khuẩn chưa cao, độ bền kháng khuẩn của vải giảm nhanh khi số lần giặt tăng hơn sau 5 lần giặt. Do đó, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may trong nước từ việc nghiên cứu thiết kế mặt hàng, quy trình công nghệ sản xuất vải dệt kim từ sợi có chứa Chitosan, nhóm nghiên cứu do ThS. Nguyễn Đức Hóa, Viện Dệt may đã đề xuất đề tài: “Nghiên cứu sản xuất vải từ nguyên liệu có chứa Chitosan” trên dây chuyền thiết bị sẵn có của Việt Nam để có thể đa dạng hóa sản phẩm dệt may trong nước đồng thời giúp cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh, gia tăng sản xuất được vải dệt kim kháng khuẩn phục vụ quần áo trẻ em.
Sau một thời gian triển khai thực hiện (từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2017), nhóm đề tài đã hoàn thành đầy đủ và có các sản phẩm công nghệ và mặt hàng có chất lượng cao. Cụ thể:
- Xây dựng được quy trình công nghệ dệt, nhuộm và hoàn tất vải dệt kim từ nguyên liệu bông chứa Chitosan.
- Lựa chọn mặt hàng, thiết kế và triển khai dệt vải dệt kim phù hợp tại Công ty CP Dệt Kim Vinatex, các chỉ tiêu cơ lý hóa đạt yêu cầu đặt ra của đề tài.
- Thử nghiệm mẫu nhỏ trong phòng thí nghiệm, xây dựng quy trình công nghệ tẩy nhuộm hoàn tất cho các mặt hàng từ nguyên liệu bông có chứa Chitosan, hiệu chỉnh thông số công nghệ cho phù hợp với các điều kiện hiện có tại các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam.
- Lựa chọn được tỷ lệ Crabyon trong vải bông để vải đạt được khả năng kháng khuẩn cao và giá thành tối ưu.
- Lựa chọn được hóa chất, thuốc nhuộm phù hợp để xử lý cho vải bông có chứa Chitosan ít ảnh hưởng đến khả năng kháng khuẩn của vải.
- Triển khai tẩy nhuộm hoàn tất thử nghiệm vải, cổ áo và bo tay tại Công ty CP Dệt Kim Vinatex (sản xuất dệt, nhuộm và hoàn tất 420 kg vải).
- Thiết kế may thử nghiệm sản phẩm áo cho trẻ em (thiết kế và may 100 áo).
- Quá trình thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm cho thấy hoàn toàn có thể ứng dụng nguyên liệu mới bông có chứa Chitosan vào sản xuất công nghiệp, tạo ra sản phẩm từ nguyên liệu mới có nhiều tính năng ưu việt. Sản phẩm đã bắt đầu có tín hiệu thị trường và lợi nhuận sản xuất vải với quy mô sản xuất nhỏ là 22,5%.
Như vậy, đề tài đã đạt được các kết quả về mặt lý thuyết, công nghệ và tổ chức triển khai, tuy nhiên các kết quả trên mới chỉ là bước đi ban đầu trong quá trình ứng dụng. Các hướng nghiên cứu tiếp theo có thể là phát triển các mặt hàng mới, phạm vi ứng dụng mới để khai thác hơn nữa tính ưu việt của nguyên liệu có chứa Chitosan nói chung và bông có chứa Chitosan nói riêng.
Các kết quả của đề tài là cho thấy sản phẩm vải bông có chứa Chitosan có khả năng kháng khuẩn bền qua nhiều lần giặt khắc phục được nhược điểm của vải kháng khuẩn thông thường và đã được thị trường trong nước đón nhận. Bên cạnh đó sản xuất vải bông có chứa Chitosan đạt được lợi nhuận khá cao. Đề tài kiến nghị Tập đoàn Dệt may Việt Nam tạo điều kiện để Viện Dệt May được triển khai dự án hoàn thiện công nghệ và sản xuất vải dệt kim bông pha Crabyon quy mô công nghiệp.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14829/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)