Nghiên cứu sản xuất Frit trên cơ sở trường thạch trong nước dùng cho sản xuất sứ dân dụng nhiệt độ nung ≤ 1250 độ C
Cập nhật vào: Thứ ba - 06/08/2019 11:59 Cỡ chữ
Ngành sản xuất gốm sứ dân dụng của nước ta, trong một vài năm trở lại đây đã có những thay đổi đáng kế cả về năng suất lẫn chất lượng sản phẩm. Sản phẩm sứ của ta hiện đã trắng, tròn, mỏng và bền hơn so với vài chục năm trước. Tuy nhiên, khi so sánh với các quốc gia có ngành sản xuất sứ dân dụng phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Tây Âu thì sản phẩm của ta còn kém xa về chất lượng và chủng loại.
Nước ta là nước có ưu thế tài nguyên khoáng sản cho ngành sản xuất gốm sứ: Đất sét, cao lanh, trường thạch, thạch anh… Nhưng trước thực trạng hiện nay, tài nguyên đang cạn kiệt thì việc khai thác sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, có hiệu quả đang là vấn đề cấp thiết trên toàn thế giới. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tạo ra loại nguyên liệu mới bằng cách tổng hợp từ các loại trường thạch trong nước có ý nghĩa rất lớn, phần nào giải quyết được bài toàn về hướng sử dụng nguyên liệu tiết kiệm, hiệu quả. Xuất phát từ thực tế đó, năm 2016, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu sành sứ thủy tinh công nghiệp đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu sản xuất Frit trên cơ sở trường thạch trong nước dùng cho sản xuất sứ dân dụng nhiệt độ nung ≤ 1250 độ C”. Chủ nhiệm đề tài là bà Nguyễn Thị Tỵ.
Một số kết quả nổi bật của nghiên cứu:
- Khảo sát nguồn nguyên liệu trường thạch trong nước
- Nghiên cứu tổng hợp, hoàn thiện công nghệ sản xuất frit từ nguồn trường thạch trong nước
- Nghiên cứu đơn phối liệu sứ dân dụng nhiệt độ nung ≤ 1250 độ C sử dụng frit
- Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất sứ frit dân dụng nhiệt độ nung ≤ 1250 độ C sử dụng frit
- Chế thử 200 kg frit đi từ nguồn trường thạch Phú Thọ có chỉ tiêu kỹ thuật: Nhiệt độ chảy chỏm cầu: 1020 ÷ 1050 độ C; nhiệt độ chảy bẹt: 1180 ÷ 1200 độ C; hệ số giãn nở nhiệt: đo theo dải nhiệt độ thực tế.
- Chế thử 10 sản phẩm sứ đạt chỉ tiêu kỹ thuật: nhiệt độ nung 1220 - 1230 độ C; độ trắng: 71,0% (so với MgO) và độ trong: 4%.
Về hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, tuy giá thành của sản phẩm frit cao hơn so với giá nguyên liệu trường thạch sử dụng trong bài phối liệu nhưng quy trình nung sứ frit so với sứ thông thường tiết kiệm khoảng 20% lượng nhiên liệu tiêu tốn và so sánh cả quy trình sản xuất thì quy trình sản xuất sứ frit có chi phí thấp hơn so với quy trình sản xuất sứ thông thường. Ngoài ra, quy trình sản xuất sứ frit còn có nhiều ý nghĩa về mặt kỹ thuật và môi trường.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13492/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.P.D (NASATI)