Nghiên cứu chế tạo hệ thống cung cấp dịch vụ định vị GPS độ chính xác cm trong thời gian thực cho các lĩnh vực đòi hỏi độ chính xác định vị cao
Cập nhật vào: Thứ năm - 15/08/2019 10:09 Cỡ chữ
Qua các phân tích, nhận định về tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng, và căn cứ vào khả năng của đơn vị có được qua nhiều năm thực hiện nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, Trung tâm NAVIS tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu chế tạo hệ thống cung cấp dịch vụ định vị GPS độ chính xác cm trong thời gian thực cho các lĩnh vực đòi hỏi độ chính xác định vị cao”.
Đề tài đã được Chương trình KH&CN Vũ trụ (2012-2015) thông qua và ký hợp đồng triển khai trong năm 2013-2015 nhằm hiện thực hóa các mục tiêu sau:
(1) Làm chủ các công nghệ lõi trong lĩnh vực định vị GNSS chính xác, qua đó chủ động phát triển và chế tạo các giải pháp định vị GPS/GNSS đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của người sử dụng trong mọi lĩnh vực có nhu cầu tại Việt Nam;
(2) Cung cấp một giải pháp định vị GNSS chính xác (cỡ cm) toàn diện, bao gồm: phần cứng, phần mềm, và đặc biệt là dịch vụ mạng lưới trạm tham chiếu, cho người sử dụng tại Việt Nam và từng bước mở rộng phạm vi cung cấp giải pháp cho người sử dụng trong khu vực Đông Nam Á;
Một số kết quả của nghiên cứu:
Về mặt khoa học công nghệ, trong bối cảnh Việt Nam chưa có một hệ thống hoàn chỉnh nào cung cấp các dịch vụ, sản phẩm và thiết bị liên quan đến lĩnh vực định vị với độ chính xác cao, các sản phẩm của đề tài do nhóm thực hiện nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm đã bước đầu đạt được những mục tiêu quan trọng đặt ra bao gồm:
- Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành công thiết bị (phần cứng) NAVISA thu nhận tín hiệu định vị vệ tinh phục vụ định vị với độ chính xác cao gốm nhiều phiên bản khác nhau: phiên bản hoạt động tại trạm cải chính (base station), phiên bản hoạt động tại hiện trường (receiver/rover). Các sản phẩm được thiết kế, chế tạo trong nước nên giá thành giảm so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu;
- Nghiên cứu, thiết kế và phát triển thành công phần mềm xử lý dữ liệu định vị NAVISAP. Phần mềm cung cấp các phương pháp định vị chính xác tiên tiến như định vị động thời gian thực RTK, định vị điểm chính xác PPP, và định vị xử lý hậu kỳ. Ngoài ra, phần mềm còn cung cấp các tính năng giám sát chất lượng tín hiệu, cũng như nâng cao độ tin cây, độ an toàn/an ninh của dịch vụ định vị. NAVISAP có 3 phiên bản: phiên bản cho trạm tham chiếu (NAVISAP-BS), phiên bản cho bộ thu (NAVISAP-Android), và phiên bản cho máy chủ mạng lưới (NAVISAP-Server).
- Nghiên cứu, thiêt kế và phát triển thành công mạng lưới trạm cải chính NAVINET cùng với hệ thống phần mềm quản trị, truyền thông và các dịch vụ xử lý dữ liệu định vị được cung cấp cho người dùng qua giao diện web. Ngoài ra NAVINET còn cung cấp các dịch vụ phân phối dữ liệu cải chính định dạng tiêu chuẩn RINEX thu tại các trạm tham chiếu của mạng lưới cho người dùng thông qua mạng Internet. Thêm vào đó, dịch vụ phân phối dữ liệu cải chính thời gian thực RTCM phục vụ cho định vị động thời gian thực RTK cũng được tích hợp trong NAVINET, cung cấp cho người dùng một giải pháp định vị chính xác cỡ cm tiết kiệm chi phí và thời gian một cách hiệu quả. NAVINET có thiết kế mở tạo điều kiện kết nối hai chiều tới các mạng lưới và trạm toàn cầu của Tổ chức định vị GNSS quốc tế IGS.
Các chức năng đề cập ở trên của các thành phần của hệ thống có tính khoa học và sáng tạo cao thể hiện qua các công bố khoa học liên quan trên các tạp chí uy tín (đánh chỉ mục SCI) và hội thảo quốc tế chuyên ngành GNSS uy tín. Các thiết bị phần cứng, chương trình phần mềm, và dịch vụ mạng lưới của NAVINET được thiết kế hoàn thiện cả về tính năng, giao diện và mẫu mã. Các chức năng và dịch vụ được thử nghiệm trong điều kiện thực tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như: đo đạc, trắc địa, giám sát hành trình, điều khiển các phương tiện tự hành… qua đó, chứng minh năng lực, tính khả thi, và tiềm năng chuyển giao công nghệ của giải pháp đề tài đề xuất.
Trong tương lai, nhóm nghiên cứu sẽ tập trung vào nâng cấp và hoàn thiện các chức năng phần cứng, phần mềm, và mạng lưới dịch vụ. Trong đó, đặc biệt chú trọng mở rộng mạng lưới NAVINET dưới sự cho phép và hợp tác của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực GNSS, như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, và Bộ Quốc phòng, để cung cấp cho người sử dụng trên cả nước một dịch vụ định vị chính xác chất lượng cao, ở mọi nơi, và vào mọi thời điểm.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13506/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.T.T (NASATI)