Nghiên cứu, biên soạn sổ tay MERCHANDISE cho sản phẩm may xuất khẩu
Cập nhật vào: Thứ ba - 28/04/2020 08:20 Cỡ chữ
Trong những năm qua, ngành công nghiệp Dệt may Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục. Năm 2016 xuất khẩu dệt may sang các thị trường xuất khẩu chủ lực đạt mức tăng trưởng thấp so với các năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam cả năm 2016 đạt 23,8 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2015. Thị trường Hoa Kỳ, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước, đạt 11,5 tỷ USD, tăng 4,5%. Tương tự, xuất khẩu sang EU đạt 3,7 tỷ USD, tăng 6,3%, Nhật Bản đạt 2,9 tỷ USD, tăng 4%, Hàn Quốc đạt 2,3 tỷ USD, tăng 7,4%. Xuất khẩu dệt may Việt Nam sang các thị trường năm 2016 nhìn chung tăng trưởng thấp do nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may tại các thị trường lớn cũng bị sụt giảm. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu đều tăng trưởng qua các năm nhưng giá trị hiệu quả sản xuất của ngành dệt may lại không cao, giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may Việt Nam thấp. Thể hiện ở chỗ, gần 70% nguyên phụ liệu cho sản xuất dệt may được nhập khẩu từ nước ngoài, và hầu hết các doanh nghiệp dệt may vẫn đang thực hiện theo phương thức gia công xuất khẩu (CMT). Mặt khác, năng suất lao động khu vực sản xuất của Việt Nam cũng rất thấp, chỉ đạt chỉ số 2,4; trong khi các quốc gia sản xuất dệt may lớn khác như Trung Quốc, Indonesia đạt các chỉ số lần lượt là 6,9 và 5,2. Đây là điểm yếu lớn nhất không chỉ của dệt may mà còn của các ngành sản xuất thâm dụng lao động khác của nước ta. Chính vì vậy, mục tiêu của ngành dệt may Việt Nam hiện nay là tìm mọi biện pháp nhằm tăng cường giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may.
Từ việc phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm chủ động nguồn nguyên vật liệu, đào tạo cán bộ thiết kế, phát triển các kỹ năng chuỗi phân phối… nhằm chuyển dần từ hình thức sản xuất CMT sang ODM và cao hơn nữa là OBM. Merchandise có thể nói là một khâu vô cùng quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu này. Như đã phân tích ở trên, Merchandise đóng vai trò tiên quyết trong việc quyết định sự thành công của một sản phẩm. Người làm merchandise phải có kiến thức rất rộng trong các lĩnh vực kinh doanh, marketing, sản xuất, kiểm soát chất lượng cho đến giải quyết khiếu nại, khiếu tố… Đồng thời họ cũng phải có kỹ năng quan trọng như giao tiếp, đàm phán, xử lý tình huống…Đặc biệt, đối với hoạt động may xuất khẩu, merchandise càng phức tạp bởi phải dung hòa giữa nền văn hóa của nhiều nước với nhau, bao gồm cả về ngôn ngữ, tập quán kinh doanh… Việt Nam đã tham gia vào WTO, đồng thời cũng ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia trên thế giới như: các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Niu Dilan... Việc này đồng nghĩa với việc dệt may Việt Nam sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia khác. Đặc biệt, sắp tới đây, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do như FTA EU-Việt Nam, thì cơ hội phát triển cũng như thách thức cho ngành dệt may Việt Nam càng lớn. Việc phát triển và bán được sản phẩm hay không sẽ phụ thuộc một phần rất lớn vào chất lượng đội ngũ merchandise. Chính vì vậy, việc xây dựng một cuốn sổ tay hướng dẫn cho những cán bộ làm công tác merchandise là rất cần thiết, giúp đẩy mạnh phát triển sản phẩm, đưa các doanh nghiệp dệt may Việt Nam từng bước chuyển đổi sang phương thức sản xuất FOB,ODM, OBM, mang lại giá trị gia tăng ngày càng cao cho sản phẩm dệt may Việt Nam. Nhằm nghiên cứu xây dựng cuốn sổ tay merchandising cho các cán bộ làm công tác quản lý đơn hàng may mặc tại các Công ty may xuất khẩu, nhóm nghiên cứu do ThS. Đỗ Phương Nga, Viện Dệt May đứng đầu đã tiến hành thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, biên soạn sổ tay Merchandise cho sản phẩm may xuất khẩu”.
Sau một năm triển khai (năm 2017), đề tài đã thực hiện các nội dung nghiên cứu đúng các nội dung theo hợp đồng đã ký với Bộ công thương. Cụ thể:
- Nghiên cứu tổng quan về hoạt động merchandising trong và ngoài nước
- Nghiên cứu xây dựng các quy trình triển khai các bước công việc trong quá trình thực hiện merchandising: chào hàng, nhận đơn hàng, triển khai đơn hàng, theo dõi và giao hàng.
- Nghiên cứu, xây dựng quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa đơn hàng may xuất khẩu: quy trình nhập khẩu nguyên phụ liệu; xuất khẩu đơn hàng may.
- Nghiên cứu, tổng hợp thông tin về các kỹ năng mềm cần có của nhân viên merchandising: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phối hợp và theo dõi...
- Nghiên cứu, tổng hợp các kỹ năng kinh doanh, kiến thức kỹ thuật của người merchandising.
Nhóm thực hiện đề tài mong rằng, báo cáo này sẽ là tài liệu tham khảo cho các nhà sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu may mặc, các đơn vị kinh doanh thương mại có cái nhìn tổng thể về công tác merchandising, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ may mặc xuất khẩu hàng dệt may, hỗ trợ hàng xuất khẩu dệt may Việt Nam từng bước phát triển ngày càng lớn mạnh và bền vững, tạo uy tín với khách hàng thông qua hoạt động merchandising.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14832/2018) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T (NASATI)
công nghiệp, phát triển, mạnh mẽ, liên tục, thị trường, chủ lực, tương tự, nhu cầu, nhập khẩu, mặc dù, giá trị, hiệu quả, sản xuất, gia tăng, sản phẩm, thể hiện, hầu hết, doanh nghiệp, thực hiện, phương thức, gia công