Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tham gia thực hiện giảm thiểu phát thải khí nhà kính theo lộ trình
Cập nhật vào: Thứ tư - 31/01/2024 00:01 Cỡ chữ
Ngày 30/1/2024, tại Hà Nội, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức Hội thảo tập huấn lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho hơn 120 doanh nghiệp khu vực phía Bắc.
Quang cảnh hội thảo
Hội thảo được tổ chức với mục đích nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia thực hiện giảm thiểu phát thải khí nhà kính theo lộ trình; tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật và các văn bản có liên quan đến quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính; các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Kim Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Khoa học, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp, cho biết: Để triển khai quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các mục tiêu hướng tới giảm phát thải khí nhà kính đã cam kết, theo quy định, các doanh nghiệp sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin phục vụ kiểm kê khí nhà kính trước ngày 31/3/2023 và đến năm 2024, các đơn vị cơ sở sẽ phải kiểm kê khí nhà kính; tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần gửi UBND cấp tỉnh trước ngày 31/3 kể từ năm 2025. Trong tình hình đó, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp tổ chức hội thảo Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực phía bắc. Hoạt động này nhằm thực hiện nhiệm vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cho doanh nghiệp, bảo vệ môi trường được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã hướng dẫn các doanh nghiệp về phương pháp, cách thức xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính, phương pháp kiểm kê nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đơn giản hóa cách thức thực hiện và rút ngắn thời gian tính toán lượng phát thải khí nhà kính tại cơ sở bảo đảm theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Việc giảm phát thải khí nhà kính là xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt nếu các doanh nghiệp của Việt Nam muốn tham gia cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Các chuyên gia tư vấn của Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng công ty KPP (Hàn Quốc) - đơn vị tư vấn cùng các doanh nghiệp đã thảo luận, định hướng các giải pháp áp dụng: Kiểm kê khí nhà kính; những yêu cầu báo cáo kiểm kê từ những nhà cung cấp, nhà đầu tư; hậu kiểm kê và vai trò trong lộ trình chuyển đổi xanh; khuyến nghị doanh nghiệp sử dụng dữ liệu kiểm kê hướng tới hoạch định chiến lược giảm phát thải; tổng hợp các giải pháp đột phá từ các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp... về sử dụng dữ liệu phát thải, những giải pháp xanh từ hệ sinh thái tác động đến việc xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, ứng dụng nhiên liệu sạch LNG trong sản xuất công nghiệp. Đồng thời, các chuyên gia cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế từ những đơn vị đã có hành động hướng tới trung hòa carbon, nhằm giúp các doanh nghiệp công nghiệp, vật liệu xây dựng và cơ sở hạ tầng xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho nội tại doanh nghiệp và thực hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Biến đổi khí hậu đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng, là thách thức lớn đối với toàn nhân loại. Nguyên nhân chính được ghi nhận là do lượng phát thải khí nhà kính không có xu hướng giảm trong những năm qua. Nếu tình trạng này còn gia tăng, nó sẽ làm nặng nề thêm những thay đổi của khí hậu toàn cầu cũng như gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với tự nhiên và con người. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam là một trong các quốc gia đã tuyên bố mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
P.A.T (Tổng hợp)