Ký kết Bản thỏa thuận phối hợp công tác giữa Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Bộ Khoa học và Công nghệ
Cập nhật vào: Thứ hai - 14/11/2022 02:32
Cỡ chữ
Ngày 9/11/2022 tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) của Quốc hội và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ký kết Bản thỏa thuận phối hợp công tác trong xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN&ĐMST).
Quang cảnh lễ ký kết
Đến dự buổi Lễ ký kết, về phía Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội có đ/c Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban và các đ/c Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Uỷ viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách, các đại biểu Quốc hội là Ủy viên của Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội; các đ/c Lãnh đạo, chuyên viên Vụ KH, CN&MT thuộc Văn phòng Quốc hội. Về phía Bộ KH&CN có đ/c Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; các đ/c Thứ trưởng Bộ KH&CN và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN.
Bản thỏa thuận có một số nội dung chính sau: Phối hợp tham vấn, đóng góp ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến lĩnh vực KH, CN&ĐMST; Phối hợp chặt chẽ trong quy trình xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết do Bộ KH&CN chủ trì soạn thảo và Ủy ban KH, CN&MT chủ trì thẩm tra; Phối hợp trong các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban KH, CN&MT về lĩnh vực KH, CN&ĐMST; Hỗ trợ, triển khai các đề tài, dự án; các hoạt động khảo sát, hội nghị, hội thảo; Phối hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin về KH, CN&ĐMST.
Bản thỏa thuận này là một dấu mốc quan trọng, góp phần làm tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan. Bên cạnh đó, các đơn vị đầu mối của hai cơ quan cần khẩn trương triển khai các hoạt động cụ thể để hiện thực hóa các nội dung phối hợp công tác, trong đó tập trung ngay vào xây dựng kế hoạch tổ chức các hội thảo, hội nghị để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, các nhà quản lý về các chủ trương, chính sách của ngành KH&CN (ví dụ như: thí điểm chính sách thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển thị trường KH&CN, vấn đề xử lý tài sản hình thành từ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, cơ chế tài chính, chi tiêu cho các nhiệm vụ KH&CN,…).
P.A.T (Tổng hợp)