Khám phá tổ hợp sấy thực phẩm, nông sản ứng dụng năng lượng mặt trời
Cập nhật vào: Thứ hai - 27/05/2019 06:12 Cỡ chữ
Ưu điểm vượt trội của công nghệ sấy động, trục đứng, ứng dụng năng lượng mặt trời là: chủ động, không phụ thuộc thời tiết, loại trừ bụi và nhiễm vi sinh, giảm nhân công...
Tác giả và ThS. Phan Văn Hiệp (bìa phải) bên hệ thống sấy.
Tích và điều chỉnh nhiệt tự động
“Vỏ bọc” của tổ hợp sấy này (Công ty giải pháp công nghệ thông minh - ITS) là căn nhà có mái lợp bằng nhựa trong suốt, trên nền xi măng phẳng lì (hoặc lót gạch), đặt ở vị trí lộ thiên, không bị che bởi các công trình cao hay khuất bóng cây. Thiết kế này nhằm hứng tối đa ánh sáng mặt trời, tích nhiệt vào buồng kín để làm khô các sản phẩm đặt bên trong, ThS. Phan Văn Hiệp - giảng viên Trường ĐH Văn Hiến - giám đốc ITS, cho biết.
Để tăng cường nhiệt độ cho buồng sấy, ông Hiệp đặt một “bẫy nhiệt mặt trời”; hệ thống cấp nhiệt tự động sẽ thổi nhiệt độ cao hơn từ bẫy vào buồng sấy khi cần thiết. Trên vách tường gắn những chiếc quạt để hút ra ngoài hơi nước thoát ra từ sản phẩm sấy. Khi cần nhiệt độ vừa phải để giữ mẫu mã và chất lượng sản phẩm sấy, quạt được tăng tốc độ và kết hợp với bạt che nắng. Phía trên chân vách có các cửa sổ thông khí luôn đóng; khi nhiệt trong phòng sấy trên 50 độ C thì chúng sẽ được mở để cân bằng nhiệt.
Giàn sấy nhiều tầng
Ông Hiệp cho biết: “Giàn sấy nhiều tầng gắn trên trục đứng hoạt động quay là điểm mạnh của tổ hợp sấy động trên trục đứng ứng dụng năng lượng mặt trời. Có thể thiết kế trục sấy đơn (1 trục) hay kép (từ 2-4 trục) trên một khung đỡ. Với những sản phẩm mỏng, nhanh đạt độ “khô” như bánh tráng, bún, phở... thì thiết kế giàn sấy hình chữ nhật nhiều tầng trên khung đỡ có gắn bánh xe để di chuyển nguyên mẻ ra khỏi lò sấy, tranh thủ đưa mẻ sấy kế tiếp vào lò”.
Mỗi trục đứng sẽ được lắp từ 5 - 10 giàn sấy (tùy vật liệu sấy), yếu tố này quyết định năng suất sấy mỗi mẻ cũng như sản lượng sấy trong một ngày, một tháng...
Chẳng hạn, để sấy cá dứa một nắng, trục ngang gắn từ 3 - 4 mặt phẳng phơi, còn sấy tép thì gắn lên trục từ 8 - 10 giàn. Giàn sấy thường có hình tròn, có nhiều lỗ thông gió, dễ làm vệ sinh. Mỗi trục sấy được gắn động cơ, và có thể truyền động cho cả hệ thống nhiều trục sấy bằng xích.
Nhiều ứng dụng
Công nghệ sấy động trục đứng ứng dụng năng lượng mặt trời có thể dùng để sấy (như trà, trái cây...), bảo quản thực phẩm chờ chế biến (cá, tôm, bánh tráng,
bún...), sấy bảo quản giống (các loại lúa, ngô...). Tuy nhiên, mỗi cách dùng cần có cấu trúc giàn sấy khác nhau, yêu cầu nhiệt và thời gian sấy khác nhau để đạt ngưỡng cho phép; có thể dùng cảm biến để tự động hóa.
Theo Công ty ITS, nhiệt độ sấy tốt nhất một số nông sản đã được nghiên cứu, trải nghiệm: tôm khô (50 độ C), bún gạo (45 độ C); các loại trái cây sấy dẻo, bánh phở cuộn xuất khẩu, các loại khô cá (dưới 40 độ C); bánh tráng gạo (dưới 32 độ C).
Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong tổ hợp sấy, ông Hiệp gắn những bóng đèn cực tím để tiêu diệt vi sinh và các bào tử nấm mốc. Ngoài ra, tại các cửa chính và tất cả các cửa khác của tổ hợp sấy đều có chắn tấm lưới chống côn trùng.
Với tổ hợp sấy trục đứng ứng dụng năng lượng mặt trời, người dùng sẽ chủ động hơn trong công việc vì không phụ thuộc thời tiết, có thể sấy ban ngày, hoặc sấy vào ban đêm (thêm thiết bị cấp nhiệt ngày mưa và ban đêm).
Công nghệ sấy này vừa được giới thiệu tại sự kiện Techmart chuyên ngành chế biến thực phẩm năm 2019 do Trung tâm CESTI (Sở khoa học và công nghệ TP.HCM) tổ chức.
Theo KHPTO