Khai thác và phát triển nguồn gen thông nhựa (Pinus merkusii) ở các tỉnh phía Bắc
Cập nhật vào: Thứ hai - 28/10/2019 03:45
Cỡ chữ
Việt Nam được xếp thứ 16 trên thế giới về đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới. Chính phủ đã xác định: "Nguồn gen là tài sản quốc gia, là nguồn tài nguyên sinh học để phát triển khoa học, kinh tế - xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh. Việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen là trách nhiệm của Nhà nước, của cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp”. Chính vì vậy, một trong mười nhiệm vụ được Chính phủ đặt ra là bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen.
Mặc dù được đánh giá là có nhiều tiềm năng từ nguồn đa dạng sinh học, nhưng lợi thế này của nước ta đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc khai thác bừa bãi thiếu ý thức, thói quen canh tác lạc hậu, thiên tai... dẫn tới sự cạn kiệt về nguồn tài nguyên rừng. Chính vì vậy, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại kết hợp hài hòa với tri thức truyền thống trong bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên, môi trường là nhu cầu cấp bách hiện nay.
Thông nhựa là loài cây có giá trị kinh tế và là loài cây trồng chính ở các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Nhờ bộ rễ phát triển mạnh và có nốt sần cố định đạm, chúng có thể sinh trưởng bình thường trên các các loại đất chua nghèo kiệt, lẫn nhiều đá, tầng mỏng và chỉ còn rất ít tiềm năng sinh học. Đây là loài cây có thể làm thay đổi môi trường theo hướng có lợi nhất cho quần thụ ở những điều kiện lập địa khắc nghiệt và mở đường cho các loài cây khác có thể sinh tồn được. Điểm yếu nhất của Thông nhựa là sinh trưởng chậm nhưng chúng lại có năng suất nhựa cao nhất và thời gian cho khai thác nhựa dài nhất trong ba loài thông lấy nhựa của nước ta. Ở tuổi thành thục khai thác nhựa, trung bình mỗi cây có thể cung cấp từ 5kg đến 6kg/năm 2 trong khi cũng ở tuổi này, trị số tương ứng ở Thông 3 lá và Thông mã vĩ lần lượt là từ 3 kg đến 3,5 kg/năm và từ 2,0 kg đến 2,5 kg/năm. Đặc biệt, Thông nhựa Quảng Ninh là một trong 30 giống có sản lượng nhựa cao nhất và tốt nhất thế giới.
Chính vì vậy, các dự án như 327, PAM, 661…, đã sử dụng Thông nhựa là một trong những cây trồng quan trọng nhằm mục tiêu góp phần bảo tồn quỹ đất, bảo vệ môi trường đồng thời mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình. Chính vì vậy, KS. Nguyễn Văn Thêm, Trung tâm KH&SX Lâm nông nghiệp Quảng Ninh cùng các đồng nghiệp đã tiến hành dự án: “Khai thác và phát triển nguồn gen Thông nhựa (Pinus merkusii) ở các tỉnh miền Bắc” nhằm phát hiện, bảo tồn cũng như khai thác và phát triển nguồn gen này là vô cùng cấp bách, mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn, góp phần đẩy nhanh việc khai thác và phát triển các nguồn gen Thông nhựa quý thành sản phẩm thương mại không chỉ cho các tỉnh mà đề tài triển khai (Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình) mà còn mang tính quốc gia.
Sau một thời gian thực hiên, dự án của nhóm nghiên cứu đã đạt được một số kết quả đáng chú ý như sau:
* Đã đánh giá được các chỉ tiêu về sinh trưởng, lượng nhựa của vườn giống Thông nhựa Yên lập Quảng Ninh. Lượng nhựa tương đối của rừng ghép luôn cao hơn lượng nhựa của bình quân lâm phần rừng sản xuất 15,6% và lượng nhựa giữa các cây của rừng thông ghép đồng đều hơn.
* Tuyển chọn và lập hồ sơ cho 121 cây trội dự tuyển, đánh giá chi tiết và chọn lọc được 83 cây trội chính thức có năng suất nhựa cao tại các tỉnh Quảng Ninh 26 cây, Nghệ An 30 cây, Quảng Bình 27 cây, đã được cấp chứng chỉ nguồn giống cây trồng lâm nghiệp. Các cây trội có năng suất cao đã được mô tả các đặc điểm lâm học và giá trị nguồn gen Thông nhựa. Khi chọn cây trội Thông nhựa với mục tiêu lấy nhựa cần quan tâm tới các đặc điểm hình thái: màu sắc gỗ ở mặt đẽo, màu sắc vỏ, độ lớn cành, góc phân cành và số vòng cành/8m.
* Kết quả đánh giá đa hình nhờ chỉ thị RAPD cho thấy: 75 cây trội chọn lọc được có hê ̣số tương đồng dao đông trong kho ̣ ảng 0,45 đến 0,95 chứng tỏ các mẫu thông chọn lọc được có mức độ đa dạng di truyền cao. Đây là tập đoàn mẫu giống quan trọng có thể sử dụng trong việc lai tạo các giống thông mới có lượng nhựa cao cũng như chất lượng nhựa tốt. Các đối tượng Thông nhựa đã nghiên cứu có thể phân thành hai nhóm chính hoặc ba nhóm phụ. Các nhóm này có đặc điểm di truyền khác nhau về cơ bản.
* Đã hoàn thiện kỹ thuật ghép thông nhựa và chọn được 10.050 cây đủ tiêu chuẩn làm gốc ghép. Các cây làm gốc ghép hoàn toàn khỏe mạnh, 111 sinh trưởng phát triển tốt không bị sâu bệnh. Đã ghép được 7.351 cây thông ghép (trong đó, Quảng Ninh là 2.408 cây, Quảng Bình 2.401 cây, Nghệ An 2.542 cây), tỷ lệ cây sống đạt 81,19 % bằng 5.968 cây sống.
* Đã xây dựng được 03 mô hình vườn giống Thông nhựa ghép tại Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Bình, mỗi mô hình 03 ha. Các vườn giống này có đủ điều kiện cần để công nhận nguồn giống sau này.
* Đã tập huấn cho 20 người nắm vững được những kiến thức và kỹ năng cơ bản về kỹ thuật ghép thông nhựa.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 15109/2018) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia.
P.K.L (NASATI)
thế giới, tài nguyên, sinh vật, trung tâm, sinh học, phong phú, xác định, tài sản, quốc gia, phát triển, khoa học, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, sử dụng, bền vững, trách nhiệm, nhà nước, tổ chức