Khai mạc triển lãm tài sản trí tuệ và kết quả đổi mới sáng tạo của nữ trí thức Việt Nam
Cập nhật vào: Thứ sáu - 21/04/2023 11:06 Cỡ chữ
Sáng 21/4/2023, tại Sàn Giao dịch công nghệ, 24 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm “Tài sản trí tuệ và kết quả đổi mới sáng tạo của nữ trí thức Việt Nam”.
Ảnh: Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại buổi lễ
Tới dự khai mạc Triển lãm về phía Việt Nam có Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia, Bà Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, các đại biểu quốc tế có Ông Andrew Michael Ong, Vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Ông Marco Abbiati, Tham tán KH&CN của Đại sứ quán Ý tại Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các ban ngành trung ương và địa phương. Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: “Trong sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại hướng tới Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”. Triển lãm là một trong những hoạt động thực hiện mục tiêu “Nâng cao nhận thức, năng lực sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh cho cộng đồng nữ trí thức Việt Nam” thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030. Để đạt mục tiêu đưa nước ta từng bước phát triển thành một nước công nghiệp hiện đại đòi hỏi phải phát huy đến mức cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, trong đó lực lượng nữ trí thức đã và đang giữ một vị trí hết sức quan trọng.
Theo số liệu thống kê năm 2019 của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia cho thấy, số lượng nữ tham gia nghiên cứu chiếm 46% trong tổng nhân lực nghiên cứu và phát triển. Cộng đồng nữ trí thức Việt Nam rất đa dạng, bao gồm các nữ khoa học, doanh nhân trong mọi lĩnh vực trên toàn quốc. Các nữ trí thức đã cống hiến nhiều công trình khoa học có giá trị về lý luận và ứng dụng thực tiễn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Có những đề tài nghiên cứu, sáng kiến khoa học làm lợi cho đất nước nhiều tỷ đồng. Hiện các nữ trí thức còn rất nhiều tài sản trí tuệ và kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhưng chưa được thương mại hóa.
Ảnh: Các đại biểu thực hiện nghi lễ cắt băng khai mạc triển lãm
Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, bên cạnh những thành công vẫn còn tồn tại không ít những trở ngại, những khó khăn làm hạn chế vị thế, vai trò của nữ trí thức. Do vậy, việc hỗ trợ các nữ trí thức quảng bá, giới thiệu và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, gắn kết họ với các doanh nghiệp nhằm khai thác và phát triển giá trị các tài sản trí tuệ, thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ thực sự là rất cần thiết hiện nay.
Chủ đề của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là: “Phụ nữ với Sở hữu trí tuệ, Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo”, cho thấy nữ trí thức đang trở thành đội ngũ nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia trong đó có Việt Nam. Triển lãm đã thu hút 38 đơn vị gồm các viện, học viện, trường đại học, doanh nghiệp tham gia với gần 200 tài sản trí tuệ và kết quả đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực: Y - Dược, công nghệ sinh học, tự động hóa, công nghệ thông tin, vật liệu - hoá chất, chế biến thực phẩm, nông nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường…
Trong khuôn khổ Triển lãm còn diễn ra các hoạt động KH&CN khác như: tọa đàm “Một số vấn đề về sở hữu trí tuệ cần lưu ý trong hợp tác trường đại học - Viện nghiên cứu - doanh nghiệp”; “Giới thiệu các sáng chế, giải pháp hữu ích đã thương mại hóa thành công/các doanh nghiệp điển hình về sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ thành công và hiệu quả” tập huấn “Sở hữu trí tuệ và kỹ năng sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh”.
Nguồn: Trung tâm Giao dịch thông tin công nghệ và thiết bị