Hội thảo "Khoa học mở dưới các góc nhìn"
Cập nhật vào: Thứ năm - 25/05/2023 00:02 Cỡ chữ
Ngày 18/5/2023, tại Hà Nội, Trung tâm quốc tế Đào tạo và nghiên cứu toán học (ICRTM), cùng với Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), phối hợp với Trung tâm Vật lý quốc tế (ICP), Trung tâm Thông tin-Tư liệu (ISI), Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) tổ chức hội thảo với chủ đề "Khoa học mở dưới các góc nhìn". Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam và tinh thần "Khuyến nghị về khoa học mở" của UNESCO, lan tỏa nhận thức về khoa học mở trong cộng đồng.
Quang cảnh Hội thảo "Khoa học mở dưới các góc nhìn"
Khoa học mở là một chủ đề thời sự quan trọng và có nhiều góc nhìn khác nhau trong thời đại chuyển đổi số, khi tri thức không còn chỉ bó hẹp trong giới hàn lâm, hay công nghệ, mà có tác động trực tiếp, nhanh mạnh đến nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế, khi tri thức ấy cần được mở rộng và chia sẻ một cách hợp lý. Tuy nhiên các khái niệm về khoa học mở vẫn còn khá mơ hồ với nhiều người. Phiên họp toàn thể của UNESCO tại Paris, diễn ra từ ngày 9-24/11/2021, đã đưa ra "Khuyến nghị về khoa học mở" và được 193 quốc gia trên thế giới công nhận là định nghĩa đầu tiên mang tính toàn cầu về khoa học mở. Định nghĩa đó được diễn dịch như sau: "Khoa học mở là một kiến trúc tổng thể, bao gồm những sự dịch chuyển và thực thi có mục đích làm cho tất cả tri thức khoa học đa ngôn ngữ trở thành có thể tự do truy cập, sử dụng và tái sử dụng bởi mọi người, nhằm nâng cao sự hợp tác và chia sẻ thông tin vì lợi ích của khoa học, cộng đồng, và mở ra các quy trình kiến tạo, đánh giá và truyền thông tri thức khoa học tới đa dạng các nhóm xã hội".
Có nhiều tiêu chí để hình thành nên một nền khoa học mở, theo UNESCO bao gồm các phần chính là dữ liệu mở, hệ thống xuất bản mở, hạ tầng khoa học mở, nguồn lực giáo dục mở, phần cứng mở, phần mềm mã nguồn mở, tính mở đối với đa dạng hóa kiến thức, đánh giá mở và sự tiếp cận mở của các nhóm xã hội. UNESCO là một trong những tổ chức quốc tế đầu tiên ủng hộ xu hướng phát triển mới này, vì một cộng đồng bình đẳng trong việc tiếp cận các tri thức khoa học. Việt Nam đã có những bước đầu quan tâm đến khuyến nghị này, khi Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo "Khoa học mở - Khuyến nghị của UNESCO: Cơ hội và thách thức với Việt Nam" vào ngày 20/10/2021. Đây là khái niệm mới và sẽ cần nhiều thời gian để cộng đồng khoa học nói riêng và xã hội nói chung hiểu hơn về các xu thế trên thế giới và tìm ra các quy chế hợp lý.
Hội thảo "Khoa học mở dưới các góc nhìn" với các tham luận về chủ đề liên quan đến khoa học mở, như "Dữ liệu khoa học mở" do GS. TSKH. Hồ Tú Bảo (Viện Nghiên cứu cao cấp về toán) trình bày, đã nêu bật tầm quan trọng và lợi ích của hệ thống dữ liệu mở trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong thời đại khoa học công nghệ phát triển và thay đổi từng ngày như hiện nay. GS. Hồ Tú Bảo cho rằng, một nền khoa học mở đem lại lợi ích hài hòa cho các ngành, bảo đảm sự liêm chính, công bằng, bình đẳng trong chia sẻ dữ liệu, tri thức. Tham luận "Hướng nghiên cứu khoa học hội tụ và vai trò của vật lý trong sinh học tiến hóa" do GS.TS. Nguyễn Thế Toàn (Trưởng Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên) trình bày, đã đề cập đến một vấn đề đang rất mới hiện nay, là một trong những động lực để khoa học mở phát triển, đó là các nghiên cứu liên ngành, đa ngành. GS. Nguyễn Thế Toàn ủng hộ một nền khoa học mở trong đó các kiến thức, kỹ thuật mạnh nhất của các ngành khác nhau cùng kết hợp, hội tụ với nhau để tìm ra lời giải cho các bài toán phức tạp nhất của tự nhiên. Một số tham luận khác đã trình bày về khái niệm, tiến trình của khoa học mở, các trường phái tư tưởng có liên quan đến khoa học mở, phân tích về khuyến nghị của UNESCO về khoa học mở và đưa ra một số liên hệ với Việt Nam.
Năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình ban hành và được Chính phủ thông qua Nghị định số 47/2020/NĐ-CP: Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, trong đó có quy định về dữ liệu mở, quy định về các nguyên tắc cung cấp, sử dụng, bảo đảm thông tin cá nhân đối với các dữ liệu mở của Nhà nước.
P.A.T (Tổng hợp)