Hoàn thiện công nghệ sản xuất sứ dân dụng cao cấp theo công nghệ mới nung kết khối trước tráng men
Cập nhật vào: Thứ hai - 12/08/2019 00:48 Cỡ chữ
Tại Việt Nam, sản xuất sứ dân dụng còn khá thủ công, truyền thông, mức độ tự động hóa trong gốm sứ chưa cao. Cả nước chỉ có công ty Minh Long và ChuanKu đạt được các tiêu chí về dây chuyền công nghệ cho sản xuất sứ dân dụng cao cấp. Trong khi, còn rất nhiều các công ty sứ dân dụng của Việt Nam, đang chiếm một phần rất lớn sản lượng của cả nước, thì kỹ thuật sản xuất còn khá thô sơ, sản xuất truyền thống, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định, chi phí năng lượng cao nên hiệu quả kinh tế không cao. Điều này dẫn đến sứ dân dụng của Việt Nam khó cạnh tranh, phải nhường thị phần cho các sản phẩm ngoại chất lượng cao, mẫu mã đẹp của Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản đang tràn vào thị trường.
Vì vậy, việc hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất sứ dân dụng cao cấp từ khâu nguyên liệu đến khâu tạo hình, nung đốt nhằm tăng năng suất, tiết kiệm chi phí năng lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm và tỷ lệ thu hồi thành phẩn là rất quan trọng. Do đó, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Sành sứ và Thủy tinh công nghiệp do ông Nguyễn Tuấn Anh làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Hoàn thiện công nghệ sản xuất sứ dân dụng cao cấp theo công nghệ mới nung kết khối trước tráng men” từ năm 2015-2016.
Đề tài nhằm mục tiêu sản xuất thử nghiệm 300.000 sản phẩm (quy bát cơm) (độ trắng >78%; độ hút nước < 0,01%); hoàn thiện công nghệ sản xuất sứ dân dụng cao cấp nung kết khối trước tráng men thông qua việc nghiên cứu hoàn thiện 2 nội dung; và xây dựng dây chuyền công nghệ sản xuất sứ cao cấp nung kết khối trước tráng men công suất 500.000 sản phẩm/năm (quy bát cơm).
Sau 2 năm thực hiện, đề tài đã đạt được các kết quả sau:
* Về nghiên cứu hoàn thiện công nghệ:
- Hoàn thiện và có giải pháp điều chỉnh được đơn phối liệu xương và men theo thực tế nguồn cung cấp nguyên liệu ở các giai đoạn khác nhau
- Đưa ra được quy trình công nghệ tạo hình trên máy ép dẻo đã mua sắm và sản xuất thử nghiệm
- Cải tiến và chế tạo thử nghiệm máy tráng men sứ đã nung kết khối. Thiết lập quy trình công nghệ tráng men trên máy được cải tiến. Thiết lập các thông số công nghệ hồ men áp dụng trên máy này
- Thiết lập quy trình nung đốt tiết kiệm năng lượng với lò nung Điện - Gas dung tích 2m3 như xác lập đường cong nung chuẩn và quy trình vận hành lò điện - gas 2m3; xác định được các cơ cấu sản phẩm và phương pháp xếp mới cho hiệu quả tiết kiệm năng lượng cao.
- Thiết lập được sơ đồ dây chuyền công nghệ cho sản xuất sứ dân dụng cao cấp nung kết khối trước tráng men, đồng thời đưa ra được danh mục thiết bị của dây chuyền năng suất 500.000 sản phẩm/năm.
* Về triển khai sản xuất thử nghiệm:
- Hợp tác sản xuất, mua sắm vật tư, nguyên, nhiên liệu, thuê mướn nhân công đảm bảo cho nghiên cứu và sản xuất đủ số lượng sản phẩm đã đăng ký của dự án
- Dự án đã sản xuất được 276.500 sản phẩm các loại, số lượng quy bát cơm là 335.240 sản phẩm, đạt yêu cầu trong hợp đồng đã đăng ký.
Sản phẩm của dự án kiểm định đạt chỉ tiêu đã đăng ký.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13493/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
N.T.T (NASATI)
sản xuất, thủ công, mức độ, tự động hóa, cao cả, công ty, tiêu chí, dây chuyền, công nghệ