Hệ tri thức Việt số hóa: chương trình “Kết nối triệu con tim”
Cập nhật vào: Thứ sáu - 02/10/2020 14:44 Cỡ chữ
Sáng ngày 1/10/2020, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các đơn vị tham gia Đề án Chính phủ “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa tổ chức Chương trình “Kết nối triệu con tim” nhằm phát động Chiến dịch thiện nguyện trên nền tảng số iNhandao và ra mắt các nền tảng số trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Chương trình "Kết nối triệu con tim"
Tham dự Chương trình có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ngân hàng Quân đội (MB), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post)…và các câu lạc bộ thiện nguyện.
Được triển khai từ năm 2018, với mục tiêu xây dựng và phát triển nền tảng dữ liệu và phổ biến tri thức trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, tạo điều kiện để cộng đồng tham gia đóng góp, chia sẻ và khai thác, tạo ra các ứng dụng số phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống, đến nay, sau một thời gian triển khai với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, viện, trường và doanh nghiệp, Đề án đã xây dựng được nền tảng số trong các lĩnh vực nhân đạo, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, bưu chính… cho phép kết nối cộng đồng, chia sẻ dữ liệu, cùng chung tay triển khai các hoạt động vì lợi ích của toàn xã hội, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam.
Tại Chương trình này, thông qua nền tảng nhân đạo số (iNhandao.vn), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp cùng Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức phát động Chiến dịch “Kết nối tương lai” quyên góp máy tính bảng và điện thoại thông minh cũ còn sử dụng được để giúp đỡ cho các em học sinh miền núi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và Yên Bái. Chiến dịch kéo dài trong 03 tháng, từ 01/10-31/12/2020. Hưởng ứng Chiến dịch, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) đã trao tặng 50 máy tính bảng và điện thoại cho các em học sinh.
Tiếp nối Dự án iNhandao giai đoạn 1, giai đoạn 2 của Dự án được xây dựng với mô hình mạng xã hội, khuyến khích người dùng chia sẻ, cập nhật thông tin địa chỉ nhân đạo và các chiến dịch nhân đạo dù ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ thời điểm nào. Hệ thống triển khai xây dựng dữ liệu địa chỉ nhân đạo nhằm cung cấp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp những thông tin đầy đủ và chính xác về các trường hợp cần trợ giúp và các chiến dịch nhân đạo; đảm bảo việc trợ giúp đúng đối tượng, đúng nhu cầu, thuận tiện, minh bạch, rõ ràng; tạo sự thay đổi lớn về cách làm, mức độ ảnh hưởng tới xã hội; phát triển ứng dụng kết nối, điều phối công tác nhân đạo trên cả nền tảng web và trên điện thoại di động.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết hạt giống iNnhandao đã bắt đầu nảy mầm và năm 2020, có thể thấy rằng cây nhân đạo đó đã lớn lên, và bước đầu đã đâm chồi. Đề án còn mang ý nghĩa rộng hơn nhiều bởi mong muốn ban đầu chỉ là để quản lý các địa chỉ của Hội Chữ thập đỏ, nhưng Đề án đã kêu gọi toàn bộ cộng đồng và các nhóm thiện nguyện hiện có bằng tấm lòng của mình cùng tham gia vào các nền tảng này với tinh thần tài trợ, đóng góp dưới mọi hình thức không chỉ về vật chất mà còn cả về trí tuệ, công sức và thời gian. “Kết nối triệu con tim” cũng chính là chủ điểm hoạt động của Đề án trong năm 2020, do đó, Phó thủ tướng nhấn mạnh chương trình kêu gọi tất cả các người trẻ, không chỉ về tuổi tác mà còn trẻ về tư tưởng, suy nghĩ với khả năng và tâm huyết của mình, hãy đưa ra các sáng kiến của mình, để cùng nhau chung tay góp sức cho các hoạt động vì cộng đồng trên nền tảng Hệ tri thức Việt số hoá, vì tương lai Việt Nam. “Triệu con tim được kết nối sẽ có triệu khối óc để tìm ra giải pháp, sẽ có triệu bàn tay. Tinh thần này sẽ được lan tỏa để sang năm 2021 những mầm nảy hôm nay như bách khoa toàn thư, học liệu số… sẽ phát triển xum xuê. Đề án Hệ tri thức Việt số hóa là của tất cả người Việt Nam, vì cộng đồng, vì tương lai của đất nước và chỉ có thể thành công nếu tất cả mọi người cùng tham gia”, Phó Thủ tướng kỳ vọng.
Trong khuôn khổ Đề án Chính phủ “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá” và Chương trình "Kết nối triệu con tim", các đơn vị tham gia đã ký kết và ra mắt 3 nền tảng mới:
1. Bản đồ chung sống an toàn Covid (antoancovid.vn): Hệ thống bao gồm các tiện ích trên nền tảng Bản đồ số Việt Nam (vmap.vn) để thể hiện thời gian thực về tình hình an toàn phòng chống dịch của các cơ sở đông người, trước mắt là trường học và cơ sở y tế. Các đơn vị này hằng ngày kiểm tra và cam kết đã hoàn thành các tác vụ (theo hướng dẫn của bộ y tế) về phòng chống dịch, đồng thời cho phép người dân phản hồi nếu phát hiện những điểm chưa đúng.
Bản đồ chống dịch được triển khai toàn diện sẽ hỗ trợ các cơ quan quản lý trong phòng chống Covid-19, đồng thời tạo sự yên tâm cho cộng đồng khi thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch...
Hệ thống antoancovid.vn do các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế, Bộ giáo dục phối hợp với công ty cổ phần công nghệ DTT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty cổ phần Bác sĩ bên bạn Doctor4u.vn cùng đội thông tin đáp ứng nhanh Covid-19 thực hiện và sẵn sàng triển khai tại các trường học và bệnh viện vào 1.10.2020 trước khi mở rộng ra các cơ sở khác.
2. Nền tảng giáo dục số - iGiaoduc.vn: được phát triển với mục tiêu ban đầu là tạo ra một nền tảng Kho học liệu số trực tuyến nhằm thu thập, lựa chọn, chia sẻ học liệu số dùng chung phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường; cung cấp nguồn học liệu số phong phú, tin cậy, khai thác nguồn tri thức số có hiệu quả vào các hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá, quản lý giáo dục, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của ngành, góp phần nâng cao chất lương, hiệu quả công tác giáo dục.
Đến nay, Dự án đã hoàn thành phần mềm nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu trên địa chỉ igiaoduc.vn và cập nhật gần 5.000 bài giảng e-learning (do giáo viên xây dựng), hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình, hơn 36,00 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông.
Hệ thống cũng đã tích hợp tài khoản người dùng đặt theo mã định danh từ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; cấp tài khoản cho hơn 1 triệu giáo viên trên cả nước để tham gia đóng góp, chia sẻ và khai thác sử dụng. Đặc biệt, được phát triển trên nền tảng mở, iGiaoduc khuyến khích cộng đồng, đặc biệt là các thầy, cô giáo và các em học sinh vào tham gia sử dụng và đóng góp nội dung và các tài liệu học tập lên hệ thống.
3. Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam - bktt.vn:
Bktt.vn là một dự án hợp tác giữa Đề án Hệ tri thức Việt số hóa và Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện nghiên cứu công nghệ FPT phối hợp triển khai trên nền tảng mã nguồn mở. Mục tiêu của bktt.vn là tạo ra môi trường mà tại đó các các nhà khoa học của các tổ chức nghiên cứu khoa học và đào tạo, tham gia biên soạn các mục từ theo lĩnh vực chuyên môn sâu của mình trong Bảng mục từ đã được Ban Chủ nhiệm Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam xác lập. Hiện nay, nền tảng bktt.vn đã sẵn sàng để cộng đồng tham gia biên soạn các mục từ của bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam (sẽ được xuất bản trên giấy), phát triển nền tảng tri thức Việt.
Cùng với thông điệp “Kết nối triệu con tim”, đây được coi là một việc làm rất ý nghĩa, góp phần kết nối, kêu gọi các nhà quản lý, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào nền tảng nhân đạo số (iNhandao.vn) để cùng chung tay, góp sức sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh vượt qua khó khăn, đóng góp nguồn lực dưới mọi hình thức, giúp đất nước vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, góp phần lan tỏa những giá trị nhân đạo tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các Bộ, ngành khởi động giai đoạn tiếp theo của Đề án Hệ tri thức Việt số hóa
P.K.L (NASATI)