GII 2021: Việt Nam vẫn có thứ hạng cao
Cập nhật vào: Thứ tư - 22/09/2021 13:52 Cỡ chữ
Ngày 20/9/2021 tại Geneva (Thụy Sỹ), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố Chỉ số Đổi mới Toàn cầu 2021 (GII) lần thứ 14. Theo GII 2021, Việt Nam đứng thứ 44/132 nền kinh tế, giảm 2 bậc so với năm 2019 và 2020 (42/131) do sau khi WIPO đã cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020). Việt Nam vẫn đứng đầu trong nhóm 34 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, trên Ấn Độ và Ukraine.
Khái quát Báo cáo GII 2021
Báo cáo GII 2021 có chủ đề: "Theo sát đổi mới trong khủng hoảng COVID-19” cho thấy đầu tư đổi mới có sự phục hồi bất chấp đại dịch COVID-19. Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Hàn Quốc dẫn đầu Bảng xếp hạng, trong khi Trung Quốc tiến gần hơn đến top 10. Các chính phủ và doanh nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới đã tăng quy mô đầu tư vào đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong bối cảnh thiệt hại lớn về con người và kinh tế do đại dịch COVID-19, Chỉ số Đổi mới Toàn cầu 2021 (GII 2021) cho thấy sự thừa nhận ngày càng tăng rằng các ý tưởng mới là rất quan trọng để vượt qua đại dịch và cho đảm bảo tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.
Sản lượng khoa học, chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D), hồ sơ sở hữu trí tuệ và các thương vụ đầu tư mạo hiểm (VC) tiếp tục tăng trong năm 2020, dựa trên kết quả hoạt động hiệu quả trước khủng hoảng. Đáng chú ý, các khoản chi cho R&D cho thấy khả năng phục hồi cao hơn trong thời kỳ suy thoái kinh tế liên quan đến đại dịch so với các đợt suy thoái trước đó. Tuy nhiên, tác động của cuộc khủng hoảng rất không đồng đều giữa các ngành. Các công ty có đầu ra bao gồm phần mềm, internet và công nghệ truyền thông, công nghiệp phần cứng và thiết bị điện, dược phẩm và công nghệ sinh học đã tăng cường đầu tư vào ĐMST và tăng cường nỗ lực R&D của họ. Ngược lại, các công ty trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp ngăn chặn đại dịch và có mô hình kinh doanh dựa vào các hoạt động trực tiếp - chẳng hạn như vận tải và du lịch - cắt giảm chi tiêu của họ. GII 2021 cho thấy rằng tiến bộ công nghệ mũi nhọn hứa hẹn đáng kể, với sự phát triển nhanh chóng của vắc xin COVID-19 là ví dụ điển hình nhất. Nói về GII 2021, Tổng giám đốc WIPO Daren Tang cho biết: GII 2021 cho chúng ta thấy rằng bất chấp tác động lớn của đại dịch COVID-19 đối với cuộc sống và sinh kế, nhiều lĩnh vực đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể - đặc biệt là những lĩnh vực đã chấp nhận số hóa, công nghệ và ĐMST. Khi thế giới mong muốn xây dựng lại sau đại dịch, chúng ta biết rằng ĐMST là không thể thiếu để vượt qua những thách thức chung mà chúng ta phải đối mặt và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. GII là một công cụ độc đáo để hướng dẫn các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp lập biểu đồ kế hoạch nhằm đảm bảo rằng chúng ta vươn lên mạnh mẽ hơn từ đại dịch.
GII năm nay có 81 tiêu chí (từ hơn 30 nguồn công cộng và tư nhân quốc tế, trong đó 58 dữ liệu cứng, 18 chỉ số tổng hợp và các khảo sát), cung cấp các số liệu chi tiết về hiệu suất ĐMST của 132 nền kinh tế trên toàn thế giới được công bố bởi WIPO, với sự hợp tác của Viện Portulans (Hoa Kỳ) và với sự hỗ trợ của các đối tác doanh nghiệp: Liên đoàn Công nghiệp Quốc gia Brazil (CNI), Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), Ecopetrol (Colombia) và Hiệp hội các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ (TIM). Năm 2021, Mạng lưới Học thuật được thành lập để thu hút các trường đại học hàng đầu thế giới tham gia nghiên cứu GII và hỗ trợ phổ biến các kết quả GII trong cộng đồng học thuật.
Khái quát xếp hạng GII 2021
Trong bảng xếp hạng hàng năm của các nền kinh tế thế giới về năng lực và đầu ra ĐMST, GII cho thấy chỉ một số nền kinh tế, chủ yếu là thu nhập cao, luôn thống trị các thứ hạng cao. Tuy nhiên, một số nền kinh tế có thu nhập trung bình được lựa chọn, bao gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Ấn Độ, Philipin, đang bắt kịp và thay đổi bức tranh ĐMST.
Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng đổi mới và đều đứng trong top 5 trong 3 năm qua. Hàn Quốc lần đầu tiên lọt vào top 5 của GII 2021, trong khi bốn nền kinh tế châu Á khác góp mặt trong top 15: Singapo (8), Trung Quốc (12), Nhật Bản (13) và Hồng Kông của Trung Quốc (14).
Bắc Mỹ và Châu Âu tiếp tục dẫn đầu và nổi bật trong bức tranh ĐMST toàn cầu so với các khu vực khác. Hoạt động ĐMST của Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương là năng động nhất trong thập kỷ qua. Đây là khu vực duy nhất thu hẹp khoảng cách với các khu vực đứng đầu ĐMST.
Trung Quốc vẫn là nền kinh tế có thu nhập trung bình duy nhất lọt vào top 20. Bulgaria (35), Malaixia (36), Thổ Nhĩ Kỳ (41), Thái Lan (43), Việt Nam (44), Liên bang Nga (45), Ấn Độ (46), Ukraine (49) và Montenegro (50) lọt vào top 50 GII. Tuy nhiên, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Ấn Độ và Philipin là bắt kịp một cách có hệ thống. Ngoài Trung Quốc, những nền kinh tế này có tiềm năng thay đổi bức tranh ĐMST toàn cầu một cách tốt đẹp.
Về chỉ số ĐMST 2021 của Việt Nam
Theo GII 2021, Việt Nam đứng thứ 44/132 nền kinh tế, giảm 2 bậc so với năm 2019 và 2020 (42/131) do sau khi WIPO đã cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020). Mặc dù Việt Nam giữ nguyên vị trí xếp hạng về đầu ra ĐMST (thứ hạng 38) và tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào ĐMST tăng 2 bậc (từ 62 lên 60) so với năm 2020, nhưng giá trị GDP mới, lớn hơn đã điều chỉnh lại thứ hạng của Việt Nam do nhiều chỉ số thành phần được tính dựa trên tổng giá trị chia GDP (có 27 chỉ số trên tổng số 81 chỉ số sử dụng GDP để tính toán, trong đó 24 chỉ số sử dụng GDP làm mẫu số).
Do tác động của nhiều yếu tố đến kết quả xếp hạng, trong đó có ảnh hưởng của phương pháp tính toán, xếp hạng nên bên cạnh vị trí xếp hạng, Báo cáo GII còn công bố khoảng tin cậy của thứ hạng để làm căn cứ khi so sánh giữa các thứ hạng gần nhau. Năm 2021, WIPO công bố thứ hạng của Việt Nam là 44 và công bố khoảng tin cậy của thứ hạng này trong khoảng 42 đến 47. Năm 2020, Việt Nam có thứ hạng 42 và khoảng tin cậy là 41 đến 50. Do vậy, nếu đánh giá theo khoảng tin cậy thì thứ hạng GII của Việt Nam năm 2021 và 2020 là gần như tương đương nhau. Việt Nam vẫn đứng đầu trong nhóm 34 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, trên Ấn Độ và Ukraine. Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu. Trong các quốc gia xếp trên Việt Nam năm 2021, không có quốc gia nào ở mức thu nhập trung bình thấp như Việt Nam, chỉ có 5 quốc gia ở mức thu nhập trung bình cao (Trung Quốc, Malaixia, Thái Lan, Bungari và Thổ Nhĩ Kỳ), còn lại đều là các quốc gia/nền kinh tế phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng vị trí thứ 4, sau Singapo (thứ 8/132), Malaixia (thứ 36/132) và Thái Lan (43/132). Theo đánh giá của WIPO năm 2021, chỉ số GII của Việt Nam có kết quả nổi bật về Trình độ phát triển của thị trường, xếp hạng 22, tăng 12 bậc từ vị trí 34 năm 2020 - thứ hạng cao nhất từ trước tới nay của Việt Nam đối với trụ cột này. Đây cũng là trụ cột có thứ hạng cao nhất trong 07 trụ cột của GII. Trong đó, tiến bộ mạnh mẽ nhất là nhóm chỉ số về chỉ số về Thương mại, đa dạng hóa và quy mô thị trường đã tăng 34 bậc, từ thứ hạng 49 lên 15 - cũng là thứ hạng tốt nhất từ trước tới nay của nhóm chỉ số này. Cụ thể, chỉ số Mức thuế quan áp dụng, bình quân gia quyền/tất cả các sản phẩm (%) - tăng 61 bậc (từ hạng 82 lên 21). Đây là kết quả của các nỗ lực gỡ bỏ rào cản thuế quan thông qua hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương mà chúng ta đã tích cực chủ động tham gia trong vài năm trở lại đây. Chỉ số Quy mô thị trường nội địa tăng 9 bậc (từ hạng 32 lên 23). Đặc biệt, chỉ số mới được sử dụng trong GII 2021 là Đa dạng hóa các ngành trong nước (thay thế cho chỉ số Mức cạnh tranh trong nước) có thứ hạng cao, xếp hạng 9. Nhóm chỉ số về Tín dụng của Việt Nam luôn được đánh giá cao, tiếp tục giữ thứ hạng 9 đã đạt được từ năm 2020, và là nhóm chỉ số có thứ hạng cao nhất trong tổng số 21 nhóm chỉ số của GII. Trong nhóm chỉ số này, chỉ số Tín dụng nội địa cho khu vực tư nhân (% GDP) tiếp tục cải thiện 3 bậc (từ hạng 15 lên 12).
Trong nhóm chỉ số về Liên kết ĐMST, chỉ số Hợp tác đại học - doanh nghiệp trong trong nghiên cứu và phát triển tăng 31 bậc (từ hạng 65 lên 34). Chỉ số Quy mô phát triển cụm công nghiệp tăng 25 bậc (từ hạng 42 lên 17). Các chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ ĐMST, thúc đẩy hợp tác giữa khu vực doanh nghiệp và viện trường, phát triển các khu công nghiệp, kinh tế, khu công nghệ cao và các cụm công nghiệp nhỏ đã được phát huy, nhờ đó nhóm chỉ số Liên kết ĐMST đã được cải thiện tích cực nhất từ trước tới giờ, tăng 17 bậc (từ hạng 75 lên 58).
Trong 5 trụ cột của Nhóm chỉ số đầu vào, thì 2 trụ cột giảm bậc (Cơ sở hạ tầng giảm 6 bậc, Trình độ phát triển kinh doanh giảm 8 bậc), 2 trụ cột giữa nguyên thứ bậc (Thể chế và Nguồn nhân lực và nghiên cứu), nhưng trụ cột Trình độ phát triển của thị trường tăng ngoạn mục (từ 34 lên 22, tăng 12 bậc). Trong khi Nhóm chỉ số đầu ra với 2 trụ cột đều giảm bậc, trụ cột Sản phẩm tri thức và công nghệ giảm 4 bậc (từ 37 xuống 41) và Sản phẩm sáng tạo giảm 4 bậc (từ 38 xuống 42). Tóm lại, trong số 7 trụ cột của GII 2021, có 4 trụ cột giảm bậc, 2 trụ cột giữa nguyên vị trí và chỉ có 1 trụ cột tăng bậc xếp hạng. Với hơn một nửa số trụ cột giảm bậc này khiến cho GII năm nay của Việt Nam giảm 2 bậc. Mặc dù có sự giảm bậc ở 4/7 trụ cột do tác động của số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam, nhưng theo đánh giá của WIPO, điểm số 7 trụ cột GII của Việt Nam đều cao hơn mức trung bình của nhóm các nước cùng nhóm thu nhập và trong hơn 10 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển của mình, cho thấy hiệu quả của Việt Nam trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra ĐMST.
So sánh với một số nước trong khu vực
Hoạt động đổi mới của khu vực Đông Nam Á, Đông Á là năng động nhất trong thập kỷ qua, đang thu hẹp khoảng cách với Bắc Mỹ và Châu Âu. Khu vực này 5 nền kinh tế dẫn đầu về đổi mới trên thế giới: Hàn Quốc (5), Singapore (8), Trung Quốc (12), Nhật Bản (13) và Hồng Kông, Trung Quốc (14).
Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã tăng đều đặn trong bảng xếp hạng GII, khẳng định mình là nhà lãnh đạo đổi mới toàn cầu, đồng thời tiếp cận top 10. Hàn Quốc đã tăng bậc đáng kể về kết quả đổi mới và đặc biệt về các chỉ số nhãn hiệu, giá trị thương hiệu toàn cầu, và xuất khẩu dịch vụ văn hóa và sáng tạo.
Trong khu vực ASEAN, Thái Lan (43) và Campuchia (109) đều tăng 1 bậc, trong khi Việt Nam (44), Philipin (51), Inđônêxia (87) và Malaixia (36) đều giảm bậc. Singapo (8) vẫn giữ nguyên thứ hạng trong 3 năm liên tiếp. Thái Lan và Việt Nam đứng trong top 30 thế giới về trình độ phát triển của thị trường. Thái Lan dẫn đầu về R&D được tài trợ bởi doanh nghiệp và Việt Nam và Philipin là những nước dẫn đầu về xuất khẩu công nghệ cao.
P.A.T (NASATI)