Dự báo triển vọng quặng Sn-W ẩn sâu ở vùng Lâm Đồng – Khánh Hòa trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm cấu trúc của một số trường quặng đã được đánh giá, thăm dò, khai thác
Cập nhật vào: Thứ năm - 27/06/2019 03:44 Cỡ chữ
Quặng thiếc và wolfram là những khoáng sản quan trọng, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có giá trị kinh tế cao và nhu cầu lớn. Việt Nam nằm trong một phần của vành đai quặng thiếc Thái Bình Dương. Các nhà địa chất Pháp, Liên Xô và Việt Nam đã phát hiện được nhiều mỏ, điểm quặng thiếc, wolfram trong các vùng quặng: Pia Oac, Tam Đảo, Quỳ Hợp, Hương Sơn, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Một số nghiên cứu chuyên sâu về quặng thiếc cũng được nhiều nhà địa chất thực hiện và công bố kết quả. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm, đánh giá, thăm dò chủ yếu thực hiện trên diện tích nhỏ, ở mức nông đến 100m, trong khi hầu hết các vùng mỏ bị che phủ nhiều bởi các tích tụ bở rời, các kết quả phân tích địa hóa còn ít, chất lượng không cao nên các đặc điểm về cấu trúc trường quặng, cấu trúc mỏ và khả năng tồn tại quặng ở phần sâu còn chưa được làm rõ. Do đó, việc dự báo triển vọng quặng thiếc, wolfram ẩn sâu trên cở sở nghiên cứu cấu trúc trường quặng tại các khu mỏ là rất cần thiết. Vì thế, trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2017, nhóm nghiên cứu tại Liên đoàn địa chất Trung trung bộ do ThS. Nguyễn Mạnh Hải làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Dự báo triển vọng quặng Sn-W ẩn sâu ở vùng Lâm Đồng - Khánh Hòa trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm cấu trúc của một số trường quặng đã được đánh giá, thăm dò, khai thác”.
Một số kết quả nổi bật của nghiên cứu:
1. Kết quả nghiên cứu bốn trường quặng nêu trên đã làm rõ:
- Cấu trúc mỏ, cấu trúc hình thái các đới khoáng hóa các thân quặng, quy luật phân bố chúng theo chiều sâu, đường phương, trong khối đá granit và trong các đá vây quanh khối granit phức hệ Cà Ná.
- Đặc điểm thành phần khoáng vật và các nguyên tố đi kèm trong quặng. Kết quả đó đó góp phần dự báo khả năng phát hiện quặng và các thân quặng ẩn và gia tăng tài nguyên quặng ở phần sâu của trường quặng Bắc Đà Lạt, Đồi Cờ và Đăk R’Măng. Tại mỏ Suối Giang thuộc trường quặng Du Long ít có khả năng hơn.
2. Đã xác định được hệ thống các tiền đề, dấu hiệu để tìm kiếm quặng thiếc, volfram trong vùng Lâm Đồng - Khánh Hòa. Quan trọng nhất là các đới đứt gãy phương Đông Bắc - Tây Nam, Tây Bắc - Đông Nam, các thể xâm nhập pha 2 phức hệ Cà Ná, các đá greisen, greisen hóa, tổ hợp các khoáng vật trong các mẫu đãi.
3. Kết quả nghiên cứu, đúc rút các kinh nghiệm điều tra thăm dò quặng thiếc, wolfram ở Việt Nam và một số nước đối với loại quặng tương tự, đã xác định được các tiêu chí dự báo triển vọng quặng thiếc, wolfram trong vùng Lâm Đồng - Khánh Hòa và ẩn sâu tại các trường quặng các mỏ quặng của vùng. Đồng thời, đã đề xuất được tổ hợp các phương pháp điều tra, thăm dò quặng thiếc, wolfram hợp lý và có hiệu quả.
Kết quả của đề tài sẽ có những đóng góp nhất định vào sự phát triển khoa học địa chất ở Việt Nam, tạo ra cơ sở phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu phù hợp đặc điểm địa chất, khoáng sản và điều kiện Việt Nam; định hướng cho công tác điều tra, đánh giá tiềm năng, khai thác, chế biến quặng thiếc, wolfram; góp phần làm cơ sở để hoạch định các quy hoạch phát triển công nghiệp khai khoáng và kinh tế vùng.
Đồng thời, các kết quả nghiên cứu cũng góp phần thúc đẩy áp dụng tiến bộ khoa học trong nghiên cứu địa chất khoáng sản; Định hướng cho công tác tìm kiếm phát hiện quặng thiếc, wolfram ẩn sâu vùng Lâm Đồng - Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung; Phục vụ Quy hoạch điều tra về cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14587/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
NASATI