Cuộc đua thu hút đầu tư bán dẫn ở châu Á
Cập nhật vào: Thứ hai - 30/10/2023 00:10 Cỡ chữ
Cuộc chiến tranh thương mại về ngành công nghiệp bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc đang mở ra cơ hội đáng kể cho các quốc gia nhỏ hơn trong việc tìm kiếm một vị trí đáng kể trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu mới. Trước đây, trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn toàn cầu, các nền kinh tế như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia Đông Á thường tập trung vào quy trình sản xuất mặt trước của chip, trong khi các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ chịu trách nhiệm cho phần mặt sau. Tuy nhiên, ngày nay, các công ty sản xuất chip khổng lồ đang thay đổi chiến lược của họ, chủ yếu do căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn SIA doanh số của lĩnh vực bán dẫn vi mạch năm 2021 là xấp xỉ 556 tỷ USD và dự báo đạt 1000 tỷ USD vào năm 2030. Lĩnh vực công nghệ có tốc độ thay đổi rất nhanh chóng, các công nghệ mới liên tục ra đời thay thế cho những công nghệ cũ, và tất cả các công nghệ đó đều cần được xây dựng từ những con chip bé nhỏ.
Sự gia tăng sử dụng các sản phẩm điện tử tiêu dùng trên toàn thế giới đang thúc đẩy sự mở rộng của thị trường bán dẫn. Ngoài ra, những tiềm năng mới để mở rộng thị trường đang được tạo ra nhờ sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và máy học (ML). Nhờ những đổi mới này, những con chip có thể xử lý lượng dữ liệu khổng lồ nhanh hơn. Nhu cầu về chip nhanh hơn và phức tạp hơn trong các ứng dụng công nghiệp cũng sẽ tăng lên.
Năm 2021, Ấn Độ đã công bố một chương trình trị giá 760 tỷ rupee (tương đương 9,14 tỷ USD) nhằm hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn và màn hình trong nước. Thủ tướng Narenda Modi đã tuyên bố tại lễ khai mạc sự kiện SemiconIndia 2023 rằng Ấn Độ sẽ tận dụng những lợi thế của mình để đóng góp vào ngành công nghiệp chip toàn cầu. Ấn Độ đã thiết lập mục tiêu mạnh mẽ để tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
Tháng 6/2023, Micron Technology của Mỹ thông báo kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất ở bang Gujarat của Ấn Độ, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2024. Đồng thời, công ty Hon Hai Precision Industry của Đài Loan (hay Foxconn) đang được cho là hợp tác với công ty sản xuất thiết bị chip của Mỹ, Applied Materials, để sản xuất các thiết bị bán dẫn tại bang Karnataka.
Noboru Yoshinaga, Phó Chủ tịch điều hành của Disco, một công ty sản xuất thiết bị bán dẫn của Nhật Bản, đã lưu ý rằng mặc dù có một số lo ngại về cơ sở hạ tầng ở khu vực Nam Á, như mạng lưới điện, thì thực tế là các công ty Mỹ đang cạnh tranh để mở rộng hoạt động của họ tại đây, cho thấy sự thay đổi trong hướng đi của ngành.
Ashwini Vaishnaw, Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ, cho biết nước này đang lên kế hoạch thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn và phát triển chuỗi cung ứng địa phương. Ông nói rằng "điều quan trọng là chúng ta phải có một số thành công ban đầu để tạo đà cho các dự án tiếp theo". New Delhi cũng đăng tăng cường quan hệ đối tác với Tokyo, kêu gọi các doanh nghiệp mạnh về quy trình đầu cuối và thiết bị đúc chip sang đầu tư. Tháng 7/2023, chính phủ hai nước đã ký biên bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác chuỗi cung ứng bán dẫn. Ấn Độ có tham vọng lớn trong việc thu hút các dự án chip và quốc gia này đang có lợi thế lớn.
Ấn Độ đang thu hút sự quan tâm từ các công ty trong ngành bán dẫn vì đây là nơi bảo đảm cho họ sự đa dạng hóa và củng cố chuỗi cung ứng trước rủi ro địa chính trị khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc Washington ngày càng hạn chế xuất khẩu liên quan đến chip sang Bắc Kinh đang thúc đẩy việc tìm kiếm cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc.
Tại Thái Lan, chính phủ đã nới lỏng chính sách giảm thuế doanh nghiệp để thu hút các công ty sản xuất chip. Điều này bao gồm việc miễn thuế doanh nghiệp cho các công ty trong chuỗi cung ứng trong thời gian lên đến 13 năm, so với 8 năm trước đây. Thái Lan đặt trọng tâm vào việc thu hút các công ty tham gia vào quy trình đầu cuối của sản xuất chip, chẳng hạn như thiết kế chất bán dẫn và khắc tấm bán dẫn. Những quy trình này được xem là tiên tiến hơn về mặt kỹ thuật so với các quy trình phụ trợ như cắt và đóng gói chip. Bên cạnh đó, nước này cũng đang phát triển ngành công nghiệp địa phương, tập hợp các nhà máy lắp ráp xe điện và các nhà cung ứng linh kiện. Nguyên nhân là do xe điện thường chứa nhiều thiết bị bán dẫn hơn so với ô tô động cơ xăng.
Các quốc gia khác như Singapo và Malaixia cũng đang nỗ lực để thu hút các cơ sở sản xuất bán dẫn. Singapo đã thông báo việc khai trương một xưởng đúc trị giá 4 tỷ USD của nhà sản xuất bán dẫn Mỹ GlobalFoundries vào tháng 9/2023. Chính phủ Singapo đã giúp GlobalFoundries mua đất, giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, Applied Materials và Soitec của Pháp cũng quyết định mở rộng công suất vận hành tại quốc đảo này.
Malaixia cũng thu hút được tập đoàn Infineon Technologies của Đức với kế hoạch đầu tư 5 tỷ Euro (khoảng 5,45 tỷ USD) để mở rộng cơ sở sản xuất của họ tại nước này. Khoản đầu tư này hướng tới việc sản xuất chất bán dẫn điện cacbua silic thế hệ tiếp theo. Intel cũng cam kết đầu tư 6,49 tỷ USD trong vòng 10 năm, đến năm 2031, cho quy trình “back-end” chẳng hạn như cắt nhỏ các tấm silicon wafer thành những con chip riêng lẻ, nối lại với nhau và đóng chúng.
Cuộc chiến thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn đang diễn ra sôi nổi ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã thu hút các cơ sở sản xuất và nghiên cứu từ các hãng lớn như Samsung Electronics và Intel. Tháng 7/2023, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen, đã thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.
Châu Á đang chứng kiến cuộc đua sôi động để thu hút các công ty sản xuất bán dẫn, và các quốc gia nhỏ hơn đang nỗ lực mạnh mẽ để tận dụng cơ hội trong cuộc cạnh tranh này. Noboru Yoshinaga, Phó Chủ tịch điều hành Disco, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Nhật Bản, nhận định rằng bất chấp những lo ngại về cơ sở hạ tầng, nhân lực của quốc gia Đông Nam Á, các công ty Mỹ đang quan tâm lớn tới khu vực này cho thấy “gió đã đổi chiều”.
P.A.T (NASATI), theo Nikkei Asia, 10/2023