Công ty khởi nghiệp GenapSys ở Mỹ giới thiệu thiết bị giải trình tự gen có kích thước bằng chiếc máy tính bảng giúp đối phó sự bùng phát của nCoV-19
Cập nhật vào: Thứ sáu - 14/02/2020 11:49 Cỡ chữ
GenapSys - start-up về công nghệ sinh học có trụ sở tại Thung lũng Silicon, Mỹ đang đàm phán với chính quyền và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) về một dự án mới trong nỗ lực giúp nước này đối phó với sự bùng phát và lây lan của vi-rút corona (nCoV-19) chủng mới gây chết người.
Phát ngôn viên của GenapSys vẫn đang trong giai đoạn đầu thảo luận với CDC Trung Quốc về giải pháp ngăn chặn hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát. Công ty đảm bảo tuân thủ tất cả các luật lệ và quy định quốc tế.
Trong báo cáo về công trình mới, GenapSys tuyên bố công nghệ giải mã và sắp xếp trình tự gen nhỏ gọn, với kích thước tương đương với một chiếc máy tính bảng iPad được ra mắt vào năm ngoái tại Mỹ, chỉ bằng 1/100 so với kích thước của thiết bị giải mã trình tự gen thông thường được sử dụng trên thế giới. Với kích thước nhỏ gọn, thiết bị có thể dễ dàng được triển khai và lắp đặt tại bệnh viện, sân bay và các trạm trung chuyển giao thông công cộng để thể nhanh chóng xác định dấu hiệu của các loại vi-rút, giúp kiểm soát tình hình dịch bệnh hiệu quả hơn.
"Trong bối dịch bệnh đang hoàng hành ở nhiều nơi trên thế giới, chúng ta hoàn toàn có lắp đặt hàng nghìn thiết bị nhỏ gọn này ở các khu vực khác nhau trong thành phố, rà quét và sàng lọc tại chỗ các bệnh nhân hoặc trường hợp nghi nhiễm vi-rút”, Hesaam Esfandyarpour, CEO kiêm nhà sáng lập của GenapSys cho biết. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc di chuyển người bệnh trên một quãng đường dài có thể được coi là mối nguy hiểm tiềm tàng vì có thể tạo điều kiện cho vi-rút lây lan trong cộng đồng.
Giải pháp giải trình tự gen cung cấp sự hiểu biết đầy đủ hơn về vi-rút, giúp các chuyên gia y tế dễ dàng theo dõi quá trình phát triển của chúng, từ đó, nghiên cứu và phát triển các loại vắc-xin phù hợp cũng như đưa ra các chiến lược kiểm soát hiệu quả dịch viêm đường hô hấp cấp do vi-rút corona.
Các chuyên gia y tế ở Trung Quốc và trên thế giới hiện đang gấp rút nghiên cứu và phát triển vắc-xin cũng như phương pháp điều trị nhằm đối phó với vi-rút corona chủng mới. Các nhà khoa học từ Úc, Nhật Bản và Singapore đã tiến hành nuôi cấy vi-rút trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu các phương pháp chẩn đoán mới, theo dõi mọi dấu hiệu đột biến sinh học và thử nghiệm vắc-xin và loại thuốc tiềm năng.
Theo các phương tiện truyền thông, các nhà nghiên cứu của CDC cũng đã phân lập các chủng vi-rút để phát triển một loại vắc-xin tiềm năng, trong khi các đại gia công nghệ Alibaba và Baidu đang cùng nhau chia sẻ công trình nghiên cứu bộ gen của họ với các nhà khoa học và tổ chức nghiên cứu trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh.
Illumina - công ty hàng đầu về nghiên cứu sinh học khác tại Mỹ tuyên bố đã tìm ra 90% dữ liệu giải trình tự gen quan trọng của thế giới dành cho chẩn đoán trong phòng thí nghiệm. Bên cạnh đó, công nghệ của họ cũng được sử dụng để giúp giải mã trình tự gen của chủng mới vi-rút corona, cung cấp thông tin chi tiết, hỗ trợ các chuyên gia y tế công cộng trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh đang ngày càng lây lan với tốc độ nhanh chưa từng thấy.
Hiện tại, phương pháp giải trình tự di truyền chủ yếu được thực hiện trong các phòng thí nghiệm trọng điểm lớn, nơi công nghệ của Illumina với giá gần 1 triệu USD được áp dụng. Ngoài ra, Illumina đã tiết lộ giải pháp giải trình tự gen có kích thước tương đương với chiếc máy tính để bàn, có giá thành thấp hơn vào đầu năm 2018 với mức giá 20.000 USD.
Tuy nhiên, GenapSys hy vọng công nghệ của họ với mức giá thấp hơn (10.000 USD) sẽ có cơ hội tiếp cận dễ hơn đối với các nhà nghiên cứu cá nhân và phòng thí nghiệm nhỏ cũng như nhằm mục đích cung cấp với chi phí tương tự tới các quốc gia khác bao gồm Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản.
Theo Shi Yongyong, Giáo sư Khoa học Đời sống và Công nghệ sinh học tại trường Đại học Shanghai Jiao Tong và là cộng tác viên nghiên cứu tại Mayo Clinic, công nghệ mới cho phép hàng ngàn nhà nghiên cứu và phòng thí nghiệm giải mã trình tự gen vi-rút, từ đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng y tế về cả sự bùng phát của dịch bệnh do vi-rút và các bệnh khác, trong đó có bệnh ung thư.
GenapSys, được thành lập vào năm 2010, gần đây đã huy động thêm 75 triệu USD từ công ty dịch vụ tài chính Oxford Finance có trụ sở tại Mỹ, mang lại cho công ty công nghệ sinh học này tổng số vốn đầu tư lên tới 241 triệu USD.
Các quỹ tài trợ mới được thành lập sẽ được sử dụng để mở rộng quy mô trên toàn cầu cũng như hỗ trợ nghiên cứu và phát triển sáng tạo trong lĩnh vực giải trình tự gen. Đây được coi là dấu ấn cũng như kết quả xứng đáng sau nỗ lực 15 năm tập trung nghiên cứu về công nghệ gen của CEO Esfandyarpour.
"Đã từng có những giai đoạn tôi thực sự chán nản và muốn từ bỏ tất cả. Tuy nhiên, suy nghĩ về việc công trình nghiên cứu của mình trong tương lai có thể trở nên hữu ích và thậm chí là cứu mạng người khác, có thể là giúp một đứa trẻ khỏi bệnh ung thư, một người bà khỏi bệnh truyền nhiễm…, đã giúp tôi vực dậy, vượt qua thời kỳ có thể coi là khó khăn nhất trong sự nghiệp nghiên cứu của mình”, Hesaam chia sẻ.
P.K.L (NASATI), theo https://www.scmp.com/tech/science-research/article/3049462/us-start-genapsys-says-ipad-sized-gene-sequencer-could-help, 2/2020