Cải tiến khoa học công nghệ có vai trò quan trọng trong sự ổn định, phát triển của Vinachem
Cập nhật vào: Thứ tư - 05/06/2019 20:59 Cỡ chữ
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Phú Cường- Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tại Hội nghị Khoa học và công nghệ năm 2019 vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Nhiều đề tài, sáng kiến được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh được chia sẻ tại Hội nghị
Nhiều đề tài, sáng kiến được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh
Theo ông Ngô Đại Quang - Phó tổng giám đốc Vinachem, trong suốt 50 năm xây dựng và trưởng thành, công tác khoa học và công nghệ, sáng tiến cải tiến kỹ thuật tại các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn đã được chú trọng đẩy mạnh và phát huy vai trò tích cực. Ngoài việc chủ động đầu tư và huy động các nguồn lực cho các chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, Vinachem đã chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm đồng thời tăng cường bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Là một trong những đơn vị có sáng kiến áp dụng vào thực tế sản xuất kinh doanh, đại diện lãnh đạo Công ty CP Bột giặt LIX chia sẻ, hai điểm nổi bật trong hoạt động khoa học công nghệ của Công ty thời gian qua đó là làm chủ được công nghệ sản xuất và việc phát triển công thức sản phẩm được triển khai nhanh chóng, kịp thời. Cụ thể, trong công nghệ sản xuất bột giặt phun sấy tại LIX, các nguyên liệu lỏng (30%) ở công đoạn nhận nguyên vật liệu đã được bơm chuyển tự động từ các bồn chứa lớn vào phân xưởng sản xuất, cùng với đó thiết bị trọng yếu ở công đoạn phun sấy cũng được mạnh dạn đầu tư đồng bộ hóa toàn bộ cụm thiết bị đến từ Italia, tạo nên điểm mạnh nhất về công nghệ của LIX, mang lại hiệu quả sử dụng ổn định và chất lượng cao.
Công ty CP Bột giặt LIX có nhiều sáng kiến áp dụng vào thực tế sản xuất kinh doanh
Bên cạnh đó, với khâu đóng gói cuối cùng, Công ty dự kiến sẽ đầu tư băng tải chuyển bột tự động vào máy đóng gói cũng như sử dụng cánh tay robot vào thùng và cán thùng tự động, bên cạnh đó cũng cân nhắc 1-2 line chủ lực đầu tư robot xếp thùng lên pallet để tiếp tục giảm lao động, tăng năng suất cho giai đoạn này. Đáng chú ý, thành quả nổi bật trong công tác điều hành sản xuất của LIX thời gian qua là giảm được lượng Gas (khí CNG) tiêu thụ trong phun sấy bột giặt trung bình giảm 15%/năm, từ năm 2014 đến nay. Tương ứng chi phí sản xuất giảm được mức 9% (do tỷ trọng về nhiên liệu chiếm đến 60% cơ cấu chi phí sản xuất.
Ở lĩnh vực cao su, đại diện Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) thông tin, Công ty đã triển khai đề án Quy hoạch tổng thể - thiết kế - chế tạo - lắp đặt hệ thống cấp than điện tại Nhà máy sản xuất lốp DRC. Trong đó, để hạ độ ẩm trong kho chứa than từ 70% hiện nay xuống mức mong muốn là 50-55%, DRC sử dụng thiết bị tách ẩm để tách được hơi ẩm trong không khí. Đồng thời thiết kế, chế tạo và lắp đặt hệ thống tự động đẩy than đen bằng khí nén từ nhà kho than đến 16 silo/ngày với công suất kiểm tra thực tế 9 tấn/giờ với lượng khí nén 24m3/phút, tiêu thụ 9 kWh, giảm tiếng ồn, giảm bụi, cung cấp đầy đủ than đen theo yêu cầu, giữ độ ẩm theo yêu cầu, đảm bảo mức độ tự động hóa cao phù hợp với việc vận hành sản xuất thông minh. “Hệ thống mới được vận hành có năng suất vượt trội tăng gấp 7 lần trước đây, đảm bảo cấp đầy đủ than đen trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, cải tiến kỹ thuật mới đã giúp DRC giảm thiểu tiêu hao năng lượng, tiết kiệm hơn 947 triệu đồng mỗi năm”- đại diện lãnh đạo DRC bày tỏ.
Tiếp tục nghiên cứu, cập nhật ứng dụng công nghệ mới
Nhìn nhận và đánh giá những đóng góp của khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào phát triển kinh doanh của Vinachem, ông Nguyễn Phú Cường khẳng định, ngành hóa chất là một ngành công nghiệp có tính đặc thù cao và đòi hỏi nguồn nhân lực phải có trình độ kỹ thuật, công nghệ nhất định, do đó các sáng kiến, cải tiến khoa học công nghệ đóng có vai trò hết sức quan trọng trong sự ổn định, phát triển của Vinachem nói riêng và toàn ngành nói chung.
“Thời gian qua, có những đơn vị của Tập đoàn đóng góp tới 150 sáng kiến mỗi năm, làm lợi hàng chục tỷ đồng. Nhiều sáng kiến, đề tài được đưa vào ứng dụng và nhận được nhiều giải thưởng quan trọng, thể hiện đóng góp quan trọng của khoa học công nghệ, của sáng kiến cải tiến kỹ thuật đối với hoạt động của Tập đoàn trong suốt bề dày xây dựng và phát triển” - ông Cường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Cường cũng lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, sức ép về năng lượng, thị trường, trách nhiệm xã hội và môi trường buộc các đơn vị của Tập đoàn phải thay đổi, phải cải tiến, phải tiếp xúc với các công nghệ mới. Theo đó, cần biến sức ép thành động lực cho phát triển một cách thực tiễn, không tách bạch nghiên cứu vì khoa học công nghệ vẫn là một bộ phận, một công cụ phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt tận dụng các nhân tố mới từ cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng và nâng cao năng suất tổng thể để đem về lợi ích tối đa cho toàn dây chuyền sản xuất.
Theo Báo Công thương