Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vi sinh vật có dầu
Cập nhật vào: Thứ năm - 19/09/2019 03:31 Cỡ chữ
Lượng dầu thực vật tiêu thụ bình quân đầu người hiện nay ở nước ta từ 8 - 9 kg/năm, thấp hơn nhiều so với 13,5 kg/người/năm bình quân của thế giới. Nhu cầu dầu thực vật trong nước vẫn tiếp tục tăng, 16 kg/người vào năm 2020 và 18 kg/người vào năm 2025 theo dự báo của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu thực vật Việt Nam hiện phải nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu. Do đó, nghiên cứu gia tăng năng suất, sản lượng các giống cây có dầu truyền thống (dừa, lạc, vừng, đậu tương) đồng thời tìm kiếm các nguồn nguyên liệu mới cần đặt ra.
Vi sinh vật được nghiên cứu, khai thác gần đây ở khía cạnh lipid, đặc biệt đối tượng vi tảo. Các chủng vi tảo có hàm lượng dầu cao nằm trong khoảng 20 đến 60%, đạt 24.000 - 120.000 lít dầu/ha/năm. Trong khi đó năng suất dầu của các cây có dầu thấp hơn nhiều, ví dụ cây cọ dầu là cây có năng suất dầu cao nhất, chỉ đạt được khoảng 6.000 lít/ha/năm. Dầu của vi tảo không khác dầu thực vật và được sử dụng cho các mục đích khác nhau: thực phẩm, năng lượng, y học, mỹ phẩm.
Trước đòi hỏi thực tế về thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp dầu thực vật, tiềm năng sản xuất dầu từ vi sinh vật, nhiệm vụ “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vi sinh vật có dầu” đã được Bộ Công Thương phê duyệt thực hiện nhằm thu thập, bảo tồn, lưu giữ nguồn gen vi sinh vật phục vụ phát triển ngành dầu thực vật.
mục tiêu:
- Phục vụ phát triển ngành dầu thực vật Việt Nam thông qua khai thác nguồn dầu mới từ vi sinh vật, đa dạng hóa nguồn dầu cho công nghiệp sản xuất dầu thực vật và các sản phẩm từ dầu.
- Thu thập, bảo tồn và tư liệu hóa nguồn gen vi sinh vật có dầu. Đối tượng nghiên cứu năm 2016 là vi tảo.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Năm 2016, nhiệm vụ đã phân lập được từ nguồn nước tự nhiên 04 chủng vi tảo dầu bao gồm 04 loài thuộc 04 chi Dictyosphaerium, Nannochloris, Chlamydomonas, Picochlorum.
Trong số 04 chủng sinh tổng hợp lipid có 01 chủng có hàm lượng lipid cao hơn 20% (QG - N20), 03 chủng còn lại hàm lượng lipid lần lượt là 12,4% (QG - N20); 18,2% (QG - N21) và 15,3% (QG - M5). Các chủng này cũng có hàm lượng chlorophyll và carotenoid tương đối cao. Bốn chủng vi tảo dầu mới đã được khảo sát về các đặc điểm hình thái, sinh trưởng, một số yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng (nhiệt độ, pH, độ mặn, CO2, nitơ), thành phần acid béo, trình tự gen (18S rRNA) và một số đặc tính khác. 16 chủng trong bộ giống đã được đánh giá về ảnh hưởng của vi lượng kẽm đến sinh trưởng.
Tổng kết 3 năm thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ giống vi tảo từ năm 2014 đến 2016, từ nguồn tài nguyên trong nước nhiệm vụ đã phân lập được 31 chủng vi tảo dầu bản địa trong đó có 10 chủng có tiềm năng khai thác ứng dụng. Bộ giống 31 chủng vi tảo dầu đã được tư liệu hóa về các đặc điểm hình thái, sinh học cho đến trình tự gen (18S rRNA), là tài tiệu tham khảo tốt cho nghiên cứu, đào tạo. Nhiệm vụ đạt kết quả vượt mức so với hợp đồng: tham gia đào tạo 01 thạc sỹ (đã tốt nghiệp), công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 14139/2016) tại Cục Thông tin KHCNQG
N.T.T (NASATI)
thực vật, tiêu thụ, hiện nay, thế giới, nhu cầu, tiếp tục, công thương, tuy nhiên, công nghiệp, nhập khẩu, nguyên liệu, nghiên cứu, gia tăng, năng suất, sản lượng, truyền thống, tương đồng, tìm kiếm